Nguyên nhân gây ngã ở bệnh nhân tim
Ngã là nguyên nhân hàng đầu trong số các ca tử vong do chấn thương với những bệnh nhân tim mạch trên 65 tuổi. Nguyên nhân ngã là do các yếu tố từ cơ thể. Các bệnh tim mạch như hạ huyết áp do mất nước, do trụy tim mạch, do rối loạn thần kinh thực vật, kém thích nghi với sự gắng sức, suy tim, hẹp van 2 lá hoặc van động mạch chủ.
Ngã cũng có thể do phản ứng thuốc: thuốc điều trị hạ huyết áp, lợi tiểu, thuốc chẹn bê-ta, thuốc có dẫn xuất nitral, thuốc điều trị đái tháo đường. Ngã do rối loạn chuyển hóa trong cơ chế như rối loạn điện giải: Na, kali, canxi, tăng canxi máu, hạ đường máu.
Các rối loạn thần kinh do lú lẫn, xuất huyết não như xuất huyết dưới màng cứng, bị bệnh động kinh, thiếu máu não thoáng qua khiến bệnh nhân chóng mặt, mất thăng bằng khi đi, đứng, thường xuyên té ngã.
Ngã còn do các yếu tố ngoài môi trường: như đi giày dép không thích hợp, quần áo quá dài. Đồ đạc để trong nhà quá cao phải với mới tới được, để quá thấp phải cúi xuống, hoặc đồ đạc để không vững chãi; thảm trong nhà không bám dính, trong nhà không đủ ánh sáng, sàn nhà trơn dễ ngã.
Các bệnh tim mạch cùng với phản ứng của thuốc điều trị khiến bệnh nhân dễ mất thăng bằng khi đi đứng, dễ bị té ngã.
Những hậu quả nghiêm trọng
Hậu quả của ngã ở người cao tuổi thường nghiêm trọng hơn nhiều so với người trẻ, thường gây ra các chấn thương lớn cho xương và da, kèm bệnh tim nên càng khó hồi phục. Do vậy khi ngã, kể cả ngã rất bình thường cũng trở nên nguy hiểm. Ngoài gây ra chấn thương, ngã còn gây nhiều hiệu quả nghiêm trọng khác. Khoảng 1/3 số người cao tuổi đã từng bị ngã luôn có một nỗi sợ hãi là sẽ bị ngã tiếp. Những trường hợp nặng có thể có biểu hiện trầm cảm hoặc lo lâu, cảm giác bất lực, cô đơn hoặc hội chứng căng thẳng sau chấn thương. Nỗi lo sợ cộng với hạn chế do vận động có thể dần dần khiến cho người bệnh mất đi sự tự tin, giảm các hoạt động hàng ngày và dần cách ly với xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng té ngã, cần chú ý bố trí cuộc sống hợp lý tránh để dẫn đến tai nạn bệnh tật nguy hiểm. Đồ đạc cần sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Lau khô ngay khi sàn nhà bị ướt vì bất cứ lý do gì, chờ sàn nhà khô mới đi qua. Không để các đồ vật trên sàn nhà và cầu thang cản trở lối đi. Cất các dụng cụ cần thiết ở các tầng tủ vừa tầm tay với tới.
Không có vật cản trở ở lối đi, hành lang thông từ phòng này sang phòng khác, nhất là từ phòng ngủ sang phòng tắm. Để xà phòng và đồ dùng trong nhà tắm ở nơi dễ với tay lấy. Phòng ngủ, bếp, phòng tắm cần có đầy đủ ánh sáng. Nút mở - tắt đèn nên đặt gần cửa ra vào cho tiện dùng. Các loại đồ đạc cần được thu gọn trong mép tường, không cản trở lối đi.
Không nên mang tất khi đi đứng trên sàn nhà gỗ hay đá hoa vì trơn trượt, cần đi giày dép có đế bám sát trên mặt sàn. Không hấp tấp, vội vàng khi đi, nhất là nghe tiếng chuông điện thoại hay tiếng gọi cửa. Đứng lên hay ngồi xuống nên chậm rãi, tránh té ngã vì chóng mặt, mất thăng bằng.
Khi ngủ, nên thắp đèn đủ sáng để tránh giẫm phải những vật cản trở dưới chân khó nhìn thấy. Trang bị đầy đủ đèn trong phòng ngủ, hành lang, cầu thang và nhà vệ sinh. Các vật thường dùng trong nhà không nên cất nơi quá cao hoặc quá thấp bởi khi nhón chân cao hoặc cúi xuống lấy sẽ dễ gây ngã.
Đối với những trường hợp bệnh nhân tim mạch đang điều trị và theo dõi thì cần đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhằm có hướng điều trị và xử lý kịp thời khi bệnh có chiều hướng xấu. Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về việc làm thế nào để giảm tác dụng phụ cũng như giảm sự tương tác giữa các loại thuốc điều trị.