Hà Nội

Đề phòng tác dụng phụ khi dùng alimemazin chống dị ứng

29-05-2019 10:54 | Dược
google news

SKĐS - Khi bị dị ứng hô hấp bạn thường có các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi hay bị dị ứng ngoài da với biểu hiện mày đay, ngứa... thì một trong những thuốc để dùng để ứng phó với tình trạng này là alimemazin.

Khi bị dị ứng hô hấp bạn thường có các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi hay bị dị ứng ngoài da với biểu hiện mày đay, ngứa... thì một trong những thuốc để dùng để ứng phó với tình trạng này là alimemazin. Đây là một thuốc kháng histamin dùng trong điều trị dị ứng. Thuốc còn có tác dụng an thần (dùng điều trị mất ngủ ở trẻ em và người lớn), giảm ho, chống nôn (dùng trong trường hợp nôn thường xuyên ở trẻ em).

Không dùng thuốc này trong các trường hợp sau: Người rối loạn chức năng gan hoặc thận, động kinh, bệnh Parkinson, thiểu năng tuyến giáp, bệnh nhược cơ, phì đại tuyến tiền liệt; Không dùng cho người mẫn cảm với phenothiazin hoặc có tiền sử mắc bệnh glôcôm góc hẹp, trẻ em dưới 2 tuổi. Trong thời gian uống thuốc không được uống rượu hoặc không dùng đồng thời với các thuốc ức chế thần kinh khác, vì dễ gây tương tác thuốc nguy hiểm cho người dùng.

Tránh dùng thuốc cho người mang thai (trừ khi thầy thuốc cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ chỉ định dùng) vì đã có thông báo alimemazin gây vàng da, và các triệu chứng ngoại tháp ở trẻ nhỏ mà người mẹ đã dùng thuốc này khi mang thai. Thuốc có thể bài tiết vào sữa mẹ, vì vậy không nên dùng thuốc cho người mẹ cho con bú hoặc phải ngừng cho con bú trong thời gian dùng thuốc.

Khi dùng thuốc cho người cao tuổi cần hết sức thận trọng, vì dễ có nguy cơ tăng hoặc hạ nhiệt cơ thể, nhất là khi thời tiết rất nóng hoặc rất lạnh. Người cao tuổi cũng rất dễ bị giảm huyết áp thế đứng. Ngoài ra, thuốc có thể gây ngủ gà, đặc biệt là trong những ngày đầu điều trị nên người bệnh không nên điều khiển xe và máy móc trong những ngày dùng thuốc.

Bên cạnh những trường hợp cần lưu ý trên, thì người dùng cần biết để phòng và khắc phục các tác dụng không mong muốn của thuốc có thể xảy ra.

Tần suất xảy ra tác dụng không mong muốn phụ thuộc vào liều và thời gian sử dụng, vào chỉ định điều trị. Các biểu hiện thường gặp nhất là mệt mỏi, uể oải, đau đầu, chóng mặt nhẹ; khô miệng, đờm đặc. Ngoài ra, một số người còn bị táo bón, bí tiểu, rối loạn điều tiết mắt khi dùng thuốc. Cần đề phòng với triêu chứng ngoại tháp; Nguy cơ ngừng hô hấp, thậm chí gây tử vong đột ngột đã gặp ở trẻ nhỏ.

Biểu hiện của triệu chứng ngoại tháp do thuốc gây ra gồm các phản ứng tăng trương lực cơ, cảm giác luôn luôn vận động không nghỉ (nghĩa là chứng nằm, ngồi không yên) và các dấu hiệu, triệu chứng Parkinson. Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng ngồi không yên thường tự động thuyên giảm. Tuy nhiên nếu chứng này gây khó chịu, thường có thể kiểm soát chứng này bằng giảm liều thuốc...


Dược sĩ Nguyễn Thị An
Ý kiến của bạn