Đề phòng những biến chứng nguy hiểm của polyp hậu môn

12-09-2022 18:45 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Polyp hậu môn là những khối u nhỏ hình thành do sự tăng sinh quả mức của niêm mạc hậu môn. Nếu được phát hiện và điều trị sớm polyp hậu môn sẽ không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu muộn bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

1. Nguyên nhân gây polyp hậu môn

Hiện nay, chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh polyp hậu môn, nhưng chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh là yếu tố chủ yếu làm tăng nguy cơ bị bệnh:

- Do di truyền.

- Do cấu tạo hậu môn bị cong hoặc hẹp gây cản trở quá trình đẩy phân ra ngoài gây nhiễm khuẩn niêm mạc và tăng nguy cơ hình thành Polyp.

- Do quan hệ tình dục bằng đường hậu môn

- Bị táo bón trong thời gian dài khiến phân khô cứng làm tổn thương niêm mạc hậu môn

- Do vệ sinh không sạch sẽ

- Do chế độ ăn uống: thường xuyên sử dụng rượu, bia, nước có gas, thực phẩm cay nóng

- Các tổn thương bên ngoài hậu môn: bệnh trĩ ngoại, rò hậu môn, áp xe hậu môn,… cũng có nguy cơ cao bị bệnh. Ngoài ra người bị bệnh lao, bị tắc tĩnh mạch ở hậu môn cũng có nguy cơ cao bị Polyp hậu môn.

2. Một số biểu hiện của bệnh

- Đại tiện ra máu: là dấu hiệu điển hình rõ ràng nhất của polyp hậu môn. Nhiều khi người bệnh chỉ có dấu hiệu đại tiện ra máu mà không có dấu hiệu kèm theo: táo bón hoặc tiêu chảy. Máu có màu đỏ tươi chỉ dính trên giấy vệ sinh, mà không chảy nhỏ giọt như bệnh trĩ hoặc nứt kẽ hậu môn… vì thế cần chú ý phân biệt

- Phân lỏng: là dấu hiệu khi polyp hậu môn nằm ở vị trí trực tràng thấp, sát với hậu môn. Đặc biệt, khi polyp phát triển to có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích làm người bệnh bị đi ngoài nhiều, phân lỏng.

- Đau bụng: Do polyp phát triển quá lớn sẽ gây chèn ép các bộ phận khác trong đường ruột, có thể dẫn đến bán tắc ruột làm người bệnh dễ bị đau bụng dữ dội

- Thói quen đại tiện thay đổi kéo dài.

-Các triệu chứng toàn thân: Sốt, nôn, thiếu máu, chân tay mệt mỏi, suy nhược cơ thể…

photo-1662603165540

Nếu phát hiện những triệu chứng điển hình, bệnh nhân nên đi khám sớm

Nếu phát hiện những triệu chứng điển hình kể trên, bệnh nhân nên đi khám sớm để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm

Để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm: nội soi đại tràng, nội soi đại tràng sigma, nội soi đại tràng ảo, xét nghiệm phân….

3. Những biến chứng nguy hiểm

Bệnh polyp hậu môn có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu như phát hiện và điều trị muộn:

- Sa trực tràng: gây giãn niêm mạc nếu polyp có kích thước lớn hoặc nhiều dần dần có nguy cơ bị sa xuống. Ngoài ra, khi đại tiện người bệnh thường phải rặn khiến nhu động ruột bị kích thích cũng gây biến chứng sa trực tràng.

- Nhiễm trùng hậu môn: Các cuống polyp sa ra ngoài kèm theo các dịch nhầy rất dễ làm hậu môn viêm nhiễm, nhiễm trùng

- Các vấn đề ở đường ruột: Khi số lượng polyp quá nhiều hoặc có khối lượng lớn sẽ khiến hậu môn chật hẹp sẽ làm người bệnh gặp phải các vấn đề ở đường ruột: táo bón.

- Có thể phát triển thành ung thư hậu môn: nếu không được điều trị sớm, khối u phát triển to ra biến chuyển thành mạn tính, lâu ngày hình thành ung thư hậu môn rất nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao

- Di truyền cho thế hệ sau: Nếu mắc bệnh polyp hậu môn thì khả năng cao con cái của người bệnh cũng có thể mắc phải bệnh lý này vì gen đột biến có thể di truyền

4. Điều trị polyp hậu môn

Phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là phẫu thuật để loại bỏ khối polyp hậu môn kết hợp thay đổi lối sống để hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.

Không phải trường hợp nào cũng cần phẫu thuật cắt polyp hậu môn. Tùy vào thực trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau:

- Điều trị nội khoa: với trường hợp mắc polyp nhẹ, ít polyp và không quá to; Sử dụng các loại thuốc đặc trị, có tác dụng kháng viêm, giảm đau, làm tiêu khối polyp. Việc dùng thuốc thế nào, liều lượng ra sao phải được bác sĩ kê đơn và người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt

Ngoài ra, cần giữ vệ sinh sạch sẽ và có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường chất xơ, vitamin kết hợp bổ sung nước cho cơ thể giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, bệnh sẽ giảm dần.

- Điều trị ngoại khoa: với những trường hợp các khối polyp quá nhiều và lớn, hoặc có nguy cơ hình thành ung thư đòi hỏi phải có sự can thiệp nhằm loại bỏ polyp.

Cắt polyp hậu môn thường được chỉ định trong những trường hợp bệnh nặng, polyp có kích thước lớn


5. Làm thế nào để phòng ngừa polyp hậu môn?

photo-1662603169817

Hình ảnh polyp hậu môn

Có thể giảm nguy cơ polyp hậu môn bằng cách áp dụng các thói quen lối sống lành mạnh:

- Ăn ít chất béo; nhiều trái cây, rau và chất xơ;

- Giữ trọng lượng cơ thể bình thường, tránh thừa cân béo phì

- Bỏ hút thuốc lá. Tránh sử dụng rượu quá mức.

Cách phát hiện và xử trí áp xe hậu mônCách phát hiện và xử trí áp xe hậu môn

SKĐS - Áp xe hậu môn là một loại bệnh lý phổ biến xảy ra ở vùng hậu môn – trực tràng. Đây là căn bệnh mà ai cũng có thể mắc, nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh dễ gây biến chứng phức tạp, khó lường.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Quả tim đập khỏe khoắn trong lồng ngực của người nhân sau khi ghép

BS. Nguyễn Văn Bàng
Ý kiến của bạn