Đề phòng ngộ độc thực phẩm

26-02-2015 14:08 | Y học 360
google news

SKĐS - Khi bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện: đau bụng, tiêu chảy, có thể có máu, nôn mửa, nhức đầu và sốt nhẹ.

Thịt, trứng, cá, sữa là các chất giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển, và khi đó thức ăn đã biến thành chất độc. Đây cũng là những thực phẩm phổ biến ở dịp tết.

Khi bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện: đau bụng, tiêu chảy, có thể có máu, nôn mửa, nhức đầu và sốt nhẹ. Các biểu hiệu này có thể xảy ra nhanh trong vòng vài giờ sau khi ăn uống, hoặc có thể kéo dài hơn sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày thậm chí có thể sau 1 - 2 tuần lễ. Trong trường hợp nhẹ, bệnh có thể chấm dứt sau một vài ngày hoặc cũng có thể kéo dài trong nhiều ngày. Bệnh có thể diễn biến rất nặng ở trẻ em, người già. Do đặc thù của bệnh về đường tiêu hóa nên rất nhiều trường hợp bị bác sĩ chẩn đoán nhầm vì người bệnh và người nhà không kể rõ quá trình ăn uống của người bệnh nhưng đặc tính riêng của ngộ độc thực phẩm là thường xảy ra cùng lúc trên nhiều người trong gia đình trong cộng đồng. Ngộ độc thực phẩm hết sức nguy hại cho sức khỏe của người bệnh nó có thể dẫn đến tử vong nếu phát hiện muộn xử trí không kịp thời.

Nguyên nhân chính của ngộ độc thực phẩm là do ăn, uống thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm các chất độc hóa học, độc tố của vi nấm...

Tạo nên thói quen rửa tay trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn

Tạo nên thói quen rửa tay trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn

Các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn cho thực phẩm có thể tồn tại ở khắp mọi nơi trong không khí. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng hay lúc giao mùa là điều kiện tốt làm cho các vi khuẩn trong thức ăn phát triển nhanh hơn do đó ngộ độc thực phẩm cũng thường xuyên xảy ra.

Vi khuẩn: có ở mọi nơi trong môi trường, trong đó phân, nước thải, rác bụi, thực phẩm tươi sống là ổ chứa của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Trong không khí và ngay ở trên cơ thể người cũng có hàng trăm loại vi khuẩn, cư trú ở bàn tay, ở miệng, ở đường hô hấp, đường tiêu hóa, bộ phận sinh dục, tiết niệu. Thức ăn chín để ở nhiệt độ bình thường là môi trường tốt cho vi khuẩn nhất là thức ăn còn thừa chỉ cần một vài giờ là số lượng vi khuẩn có thể sinh sản đạt đến mức gây ngộ độc thực phẩm.

Nấm mốc: tác nhân thường gặp trong môi trường sống, nhất là ở trong các lợi ngũ cốc, quả hạt có dầu dự trữ trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở nước ta. Nấm mốc vừa có tác dụng làm hư hỏng thực phẩm vừa sản sinh ra các độc tố nguy hiểm. Chẳng hạn Aflatoxin là độc tố do nấm sản sinh ra trong bắp, đậu ẩm mốc nó có thể gây ung thư gan.

Virút: gây ngộ độc thực phẩm thường có trong ruột người do con người ăn các loại thủy sản sống ở vùng nước ô nhiễm, ăn rau tưới nước bị ô nhiễm hoặc khi ăn rau sống rửa không sạch. Các loại virút có thể lây truyền từ phân qua tay người tiếp xúc hoặc từ nước bị ô nhiễm phân vào thực phẩm. Người bị nhiễm virút có thể lây sang người khác trước khi phát bệnh.

Ký sinh vật: thường gặp trong thực phẩm là giun sán do đó khi ăn các loại cá như cá rô, cá chép, cá lóc hay khi ăn phải tôm, cua hoặc uống nước có nang trùng thì rất dễ bị ngộ độc. Ngoài ra, khi ăn thịt tái, nem, ăn tiết canh có ấu trùng sẽ gây ra tình trạng ngộ độc rất nặng với các biểu hiện như: dị ứng, sốt cao, liệt cơ hô hấp có thể dẫn đến tử vong.

Để đề phòng ngộ độc thực phẩm chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau:

- Rửa tay kỹ lưỡng bằng nước sạch với xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn. Dụng cụ nhà bếp như dao, thớt cần được rửa kỹ, luôn luôn rửa kỹ rau cải và trái cây với nước lạnh trước khi sử dụng, lau chùi, rửa kỹ kệ bếp, bàn ăn khi xong việc.

- Để tránh nhiễm trùng lẫn nhau, không nên để thịt cá tươi sống với thức ăn đã được nấu chín chung ngăn tủ lạnh. Sử dụng một thớt riêng biệt cho thịt cá, và một thớt khác cho rau cải tươi.

- Nấu nướng kỹ là điều cần thiết để ngừa ngộ độc thực phẩm vì hầu hết các loại vi khuẩn đều bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao.

Ngoài ra, trong cộng đồng từ người sản xuất, chế biến đến người tiêu dùng cần hết sức ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Cần bảo quản tốt thức ăn, nước uống trước, trong và sau khi chế biến, đặc biệt là ở những bếp ăn tập thể, các quán ăn vỉa hè phục vụ đông người, những doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai. Quản lý tốt chất thải sinh hoạt ra môi trường, đặc biệt quản lý tốt chất thải của con người, nhất là của những bệnh nhân tiêu chảy cấp.

BS. HỒ VĂN CƯNG

 


Ý kiến của bạn