Hà Nội

Đề phòng ngộ độc thịt do vi khuẩn C. botulinum

15-09-2020 21:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp ngộ độc thịt bởi độc tố của vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum (C. botulinum) có trong thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là pate Minh Chay. Khi ngộ độc bởi độc tố của vi khuẩn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dây thần kinh ngoại vi và nhiễm độc độc tố toàn thân, nếu không phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Tình trạng ngộ độc độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum

Tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) đã điều trị nội trú 2 bệnh nhân (cặp vợ chồng) nặng bị nhiễm độc độc tố của C. botulinum sau khi cùng ăn pate Minh Chay. 2 bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng liệt lan tỏa, liệt từ vùng đầu mặt cổ lan xuống tới tay, chân, đồng tử giãn. Ở TP.HCM cũng đã có 2 bệnh nhân nguy kịch sau khi ăn pate Minh Chay được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng có biểu hiện tương tự, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy và tại BV Nhiệt đới TP.HCM còn 2 trường hợp ngộ độc thịt do vi khuẩn này rất nguy kịch hiện đang thở máy. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới ghi nhận loại bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc độc tố do vi khuẩn C. botulinum này. Ví dụ, ở Mỹ các vụ ngộ độc do vi khuẩn này xảy ra ở nhiều bang do bệnh nhân ăn thực phẩm đóng hộp cũng như các món mua tại nhà hàng nhưng không được xử lý và bảo quản đúng cách.

Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Nguyên nhân ngộ độc thịt do độc tố C. botulinum

Nguyên nhân phổ biến là do thực phẩm không được bảo quản đúng để bị nhiễm vi khuẩn C. botulinum có độc lực cực mạnh, bởi vì, độc tố C. botulinum lan theo đường máu đến đầu mút dây thần kinh ngoại vi, gây ảnh hưởng không hồi phục giải phóng acetylcoline. Vì vậy, nhiễm botulism (độc tố C. botulinum) là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Lý do là nhiễm botulism sẽ rất nặng, bởi vì, C. botulinum trong quá trình sống, phát triển sẽ tạo ra một loại ngoại độc tố cực mạnh, hơn nữa vi khuẩn này có khả năng sinh ra độc tố thần kinh (neurotoxin) làm tổn thương thần kinh, nhất là đầu mút dây thần kinh. Ngoài ngộ độc thịt do C. botulinum, con người có thể mắc bệnh do vi khuẩn C. botulinum bởi nhiễm trùng vết thương, nhất là vết thương bị nhiễm bẩn không được sát trùng, tiệt trùng đúng phương pháp hoặc do ăn phải nha bào của vi khuẩn C. botulinum có trong môi trường tự nhiên (đất, bụi, rau…), nhất là trẻ em chơi với đất, cát, bụi bẩn.

Triệu chứng của bệnh

Thời kỳ nung bệnh khoảng từ 12- 36 giờ sau khi ăn phải thức ăn có chứa vi khuẩn C. botulinum và có khoảng 5 -10% số người bị ngộ độc thịt tử vong. Những biểu hiện đầu tiên của bệnh bao gồm: khô miệng, sụp mí mắt, nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn ra 2 hình của cùng 1 vật), nói lắp, phản xạ ánh sáng giảm hoặc hoàn toàn mất, khó nuốt... Khó nuốt có thể dẫn đến viêm phổi. Các triệu chứng thần kinh điển hình xuất hiện ở cả hai bên và đối xứng, bắt đầu với liệt dây thần kinh sọ và sau đó yếu dần hoặc liệt hẳn. Thường bị yếu dần từ ngọn chi, thân mình và các cơ hô hấp. Người bệnh không sốt, mạch bình thường hoặc chậm. Táo bón là triệu chứng phổ biến sau khi suy yếu thần kinh.

Biến chứng do ngộ độc botulism

Các biến chứng chủ yếu của bệnh nhiễm độc botulism bao gồm suy hô hấp do liệt cơ hoành, viêm phổi và các nhiễm trùng bệnh viện mắc phải khác khi đang nằm điều trị trong bệnh viện (nhiễm trùng bệnh viện).

Đề phòng ngộ độc do C. botulinum

Ngộ độc thịt không phải là bệnh lây truyền từ người này sang người khác mà do ăn phải thức ăn bị nhiễm độc tố của vi khuẩn C. botulinum. Vì vậy, đa số các trường hợp bệnh xảy ra có liên quan đến thực phẩm đóng hộp làm tại nhà (ví dụ, pate Minh Chay), trong đó có cả loại rau quả. Do đó, cần cẩn thận trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm. Vì vậy, khi sử dụng, cần đun sôi thực phẩm trong vòng ít nhất 10 phút, vì độc tố sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Người bị chấn thương, cần rửa sạch các vết thương, chăm sóc vết thương đúng cách nhằm giúp giảm nguy cơ bị bệnh do vi khuẩn C. botulinum liên quan đến vết thương.


TS. Bùi Việt Bắc
Ý kiến của bạn