Đề phòng mụn rộp sinh dục

17-07-2018 12:11 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Bệnh mụn rộp sinh dục hay còn gọi là Herpes sinh dục là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục do virut Herpes Simplex gây ra.

Bệnh mụn rộp sinh dục hay còn gọi là Herpes sinh dục là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục do virut Herpes Simplex gây ra. Các virut này xâm nhập cơ thể qua những lỗ hổng trên da hoặc qua dịch nhầy, khả năng lây nhiễm qua đường tình dục cao.

Các dấu hiệu khởi đầu của bệnh mụn rộp sinh dục là đau và ngứa, thường xảy ra sau 2-7 ngày sau khi nhiễm virut. Vài giờ đến vài ngày sau, vết loét bắt đầu xuất hiện. Vết loét đầu tiên chỉ là một chỗ sưng đỏ nhỏ, mềm, đau, rồi trở nên mọng nước trong vài ngày. Sau đó chúng vỡ miệng ra trở thành vết loét, gây rỉ dịch hoặc chảy máu. Ở nữ, vết loét có thể xuất hiện ở vùng âm đạo, cơ quan sinh dục ngoài, mông, hậu môn hoặc bên trong cổ tử cung. Ở nam, vết loét có thể ở dương vật, bìu, mông, hậu môn, đùi, niệu đạo,... Người bệnh phải chịu đựng những đau đớn và nhiều cảm giác khó chịu khác ở vùng sinh dục cho đến khi sạch virut. Trong giai đoạn bộc phát, bệnh nhân có thể có các triệu chứng nhiễm virut thông thường giống bệnh cúm, gồm: sốt, nhức đầu và nổi hạch bẹn. Chu kỳ bị mụn rộp sinh dục rất đặc biệt. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể tái phát qua hàng năm. Có những người bị tái phát hàng tháng. Tuy vậy hầu hết bệnh nhân bị bộc phát không thường xuyên. Ở người trưởng thành, ngoài vết loét da, mụn rộp sinh dục không gây ra các biến chứng gì nặng nề khác. Khi mẹ mang thai bị mụn rộp sinh dục với các vết loét da có thể lây cho con khi sinh đẻ qua đường âm đạo. Trường hợp này, mụn sinh dục có thể gây tổn thương não, mờ mắt hoặc tử vong cho trẻ.

Hiện nay chưa có liệu trình điều trị dứt điểm bệnh mụn rộp sinh dục. Tuy nhiên để điều trị bệnh, có thể dùng thuốc ức chế virut như acyclovir, famciclorvir và valacyclovir nhằm giúp vết loét lành nhanh hơn và hạn chế tái phát. Có thể dùng trong đợt bộc phát hoặc sau khi bộc phát (phòng ngừa đợt kế tiếp).

Giống như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, phòng bệnh là quan trọng hơn cả. Mấu chốt là tránh sự lây lan của HSV, nhất là trong giai đoạn có tổn thương loét. Hãy đợi đến khi các vết loét hoàn toàn lành lặn mới quan hệ tình dục trở lại. Một khi bị mụn rộp sinh dục, người bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, kể cả HIV và AIDS. Để phòng tránh mụn rộp sinh dục, tốt nhất nên quan hệ tình dục lành mạnh, một vợ một chồng và dùng bao cao su thường xuyên. Trường hợp người đang bị mụn rộp sinh dục cần tránh lây lan cho bạn tình bằng cách: tránh quan hệ tình dục, tránh đụng chạm và giữ cho vết loét sạch sẽ và khô ráo, rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với vết loét.


BS. Xuân Dung
Ý kiến của bạn