1. Nguyên nhân bệnh lỵ trực khuẩn
Lỵ trực khuẩn là bệnh đường tiêu hóa do vi khuẩn Shigella gây ra. Shigella thuộc họ Enterobateriaceae là trực khuẩn gram âm có thể sống trong thức ăn và nước trong nhiều tháng.
Kháng nguyên chính của vi khuẩn là kháng nguyên O, từ đó lỵ trực khuẩn được chia thành 4 nhóm là Shigella dysenteriae (nhóm A), Shigella flexneri (nhóm B), Shigella boydii (nhóm C), Shigella sonnei (nhóm D).
Trong đó, các nhóm, Shigella dysenteriae type 1 với tên gọi khác là trực khuẩn Shiga thường gây bệnh cảnh lâm sàng nặng, tử lệ tử vong cao.
2. Bệnh lây qua đường tiêu hóa
- Bệnh lỵ trực khuẩn lây trực tiếp từ người sang người qua đường tiêu hóa (phân - miệng). Người bệnh có thể thải vi khuẩn hàng ngày theo phân, ở những trường hợp nhẹ, tình trạng này có thể kéo dài hơn đến khoảng 6 tuần và là nguồn lây bệnh chính trong cộng đồng.
- Ngoài ra bệnh có thể bị lây gián tiếp là lây qua thức ăn, nước uống. Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián, thạch sùng… làm lây bệnh từ bệnh phẩm sang thức ăn. Ai cũng có thể lây bệnh, trong đó trẻ em và người già dễ mắc bệnh lỵ nặng, dễ tử vong.
Bệnh đặc biệt hay bùng phát vào mùa hè nóng nực và dễ gây thành dịch khi thời tiết vào mùa mưa lũ. Thức ăn, nguồn nước, xử lý chất thải… không đảm bảo là nguyên nhân chính khiến bệnh dễ bùng phát và phát triển
3. Các thể lỵ trực khuẩn
Khi nhiễm vi khuẩn lỵ, thời gian ủ bệnh từ 1 – 7 ngày, sẽ khởi phát một cách đột ngột, với 2 hội chứng: nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ.
- Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt cao 38 – 39 độ C, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau khớp. Ở ở trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn.
- Hội chứng lỵ: Đau bụng âm ỉ quanh rốn, sau đau lan ra khắp bụng, cơn đau quặn bụng ở hố chậu trái. Các cơn đau khiến bệnh nhân mót rặn muốn đi đại tiện. Phân sệt lúc đầu, về sau loãng, rất thối, lẫn với nhầy và máu. có khi phân vàng đục như mủ, nhầy, có máu sẫm như máu cá… Hội chứng lỵ có thể diễn ra từ 5 – 10 ngày hoặc hơn.
Các thể bệnh:
- Lỵ thể nhẹ: Hội chứng nhiễm khuẩn nhẹ hoặc không rõ, hơi hâm hấp sốt, mệt, có thể đau quặn bụng, đi ngoài dưới 10 lần/ngày, bệnh nhân sẽ phục hồi trong vòng 1 tuần.
- Lỵ thể vừa: Sốt 38 – 40 độ C kèm đau đầu, mệt mỏi, mạch nhanh, huyết áp hạ. Đi tiêu chảy từ 15 – 20 lần/ngày, kèm theo dấu hiệu mất nước, với biểu hiện khát nước, môi khô. Nếu điều trị tốt, bệnh nhân sẽ khỏi sau 7 – 14 ngày.
- Thể nặng: Đau quặn bụng dữ dội, mót rặn kèm mót đái không kìm được, đi tiêu chảy trên 30 lần/ngày,. Bệnh nhân bị mất nước, rối loạn điện giải, kiệt sức, nằm đại tiện tại chỗ, hậu môn mở rộng, phân tự chảy, mắt trũng, mặt hốc hác, mạch nhanh yếu, thở gấp… có thể tử vong sau 3 – 7 ngày nếu không được cấp cứu xử trí kịp thời
- Ở trẻ nhỏ còn gặp thể rất nhẹ như rối loạn tiêu hóa: phân loãng, không sốt.
- Thể dạ dày ruột cấp: Bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, nôn nhiều lần, phân loãng, không có nhầy máu, đau bụng lan tỏa…
- Thể tối độc: Đi ngoài nhiều, phân có nhầy mủ, có khi toàn máu, có thể tử vong trong vài ngày đầu do hôn mê, trụy tim mạch.
- Ở người cao tuổi, bệnh lỵ kéo dài, bệnh càng ngày càng nặng, rối loạn tiêu hóa nặng, thiếu vitamin, thiếu máu.
4. Các biến chứng bệnh lỵ trực khuẩn
Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ở thể nhẹ và vừa bệnh ít khi gây biến chứng. Bệnh lỵ trực khuẩn có thể gây ra một số biến chứng:
- Mất nước, rối loạn điện giải
- Sốt cao co giật, rối loạn ý thức, viêm màng não nhiễm khuẩn,…
- Ở người già, suy kiệt nặng có thể gặp biến chứng thủng ruột
- Có thể gây sa trực tràng đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ
- Sốc nội độc tố
- Viêm phổi, viêm tuyến mang tai, Hội chứng tán huyết ure máu cao
- Cơ thể suy kiệt, suy dinh dưỡng
Thức ăn có nhiễm trực khuẩn lỵ có thể gây ngộ độc cho người ăn.
5. Đối tượng dễ mắc lỵ trực khuẩn
- Bệnh lỵ trực khuẩn thường gặp ở những nước kém hoặc đang phát triển. Đặc biệt hay gặp khi thời tiết nóng ẩm hoặc mưa lũ điều kiện vệ sinh kém.
- Đối tượng nguy cơ mắc cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi.
- Những người tiếp xúc với người bệnh mà không có các biện pháp phòng ngừa,
- Sử dụng thức ăn nước uống bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém.
- Quan hệ đồng giới nam
6. Nguyên tắc điều trị
- Dùng kháng sinh sớm và thích hợp để giảm thời gian bị bệnh và giảm thải vi khuẩn ra ngoài môi trường. Cần phải dựa vào tính nhạy cảm và đề kháng kháng sinh của trực khuẩn Shigella để lựa chọn kháng sinh có tác dụng.
- Bù nước, điện giải: Cần đánh giá mức độ mất nước, điện giải của người bệnh để bù dịch phù hợp và kịp thời:
Mất nước nhẹ, không nôn: Bù dịch bằng đường uống với oresol.
Mất nước từ trung bình tới nặng, kèm theo nôn: bù dịch đường tĩnh mạch với các loại dung dịch: mặn ngọt, lactate ringer hoặc acetate ringer. Cần phải dựa vào xét nghiệm điện giải đồ để lựa chọn chủng loại dịch cho phù hợp nhằm bồi phụ natri và kali cho đầy đủ.
Theo dõi mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu để điều chỉnh lượng dịch cũng như tốc độ truyền dịch.
- Điều trị các triệu chứng khác gồm giảm đau bụng, hạ sốt, trợ tim mạch và các triệu chứng liên quan khác đồng thời.
Để kiểm soát tình trạng bệnh, có thể:
- Nghỉ ngơi vệ sinh phòng ngủ, giặt chăn và tấm trải giường với xà phòng và nước ấm thường xuyên
- Sử dụng nhà tắm riêng hoặc đeo găng tay chà rửa bồn cầu với dung dịch tẩy
- Ăn các món ăn dạng lỏng như canh hoặc cháo
- Không nên sử dụng thuốc chống tiêu chảy vì sẽ ngăn vi khuẩn bị loại bỏ ra khỏi cơ thể và làm bệnh nặng hơn.
7. Phòng ngừa bệnh lỵ trực khuẩn
- Phát hiện sớm, sau đó cách ly để điều trị bệnh nhân lỵ cấp.
- Giữ vệ sinh môi trường, nguồn nước, có biện pháp xử lý thích hợp sau mưa lũ.
- Đảm bảo việc thực hiện chế độ ăn uống hợp vệ sinh.
- Thực hiện rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh.
- Xử lý chất thải của bệnh nhân bằng vôi sống 20%, nước vôi 10%. Đồ dùng, quần áo bệnh nhân phải được sát trùng hoặc ngâm Cloramin B 2%.
- Diệt các loài côn trùng như: ruồi, gián, nhặng...
Mời xem video nhiều người quan tâm:
TP. HCM - Tăng số ca trẻ em nhập viện vì mắc Covid-19