Hà Nội

Đề phòng khô mắt do thuốc

19-06-2019 14:01 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khô mắt là hội chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau như nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính trong khoảng thời gian dài, do tuổi cao... và có cả nguyên nhân đến từ việc sử dụng thuốc hàng ngày.

Nhiều thuốc thông dụng có tác dụng phụ gây khô mắt, làm mắt mờ, hạn chế tầm nhìn và giảm thị lực. Vậy đó là những thuốc nào và cách khắc phục ra sao?

Cấu tạo màng phim nước mắt.

Cấu tạo màng phim nước mắt.

Một số thuốc gây khô mắt

Thuốc gây khô mắt do nhiều cơ chế. Chúng có thể làm giảm lượng nước mắt mà tuyến lệ tiết ra hoặc làm thay đổi hỗn hợp thành phần trong nước mắt. Một số thuốc có thể gây khô mắt như:

Thuốc điều trị mụn

Nếu bạn có những nốt mụn nang sâu, gây đau thì cần điều trị bằng thuốc isotretinoin (acnotin, oratane…). Thuốc loại bỏ những nốt mụn bằng cách làm giảm chất nhờn được sản sinh bởi các tuyến bã nhờn dưới da. Nhưng một số tuyến này cũng có mặt ở mi mắt, dẫn đến việc làm giảm lượng dầu trong nước mắt và gây khô mắt.

Thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị Parkinson và thuốc an thần gây ngủ

Các thuốc này đều có một điểm chung, đó là làm phong bế một vài tín hiệu dẫn truyền thần kinh. Điều này giúp ích cho việc điều trị các chứng trầm cảm và bệnh Parkinson, nhưng nó cũng làm ngưng các tín hiệu điều khiển mắt tiết nhiều nước mắt hơn, từ đó gây khô mắt.

Không phải tất cả các thuốc chống trầm cảm đều gây khô mắt. Các thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline, doxepin, clomipramine…) hay một số thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) nhưsertraline và paroxetine gây khô mắt (nhưng fluoxetin trong nhóm SSRIs thì lại không gây ra tình trạng này).

Thuốc kháng histamin

Nếu bạn có cơ địa dị ứng với phấn hoa, bụi nhà, lông chó mèo, nấm mốc… có thể bạn sẽ phải dùng đến  các thuốc kháng histamin. Các thuốc này ngăn chặn  đáp ứng của cơ thể với các tác nhân gây dị ứng và phòng ngừa các triệu chứng phổ biến như ngứa, hắt hơi, chảy nước mắt, và chảy nước mũi. Nhưng thuốc cũng làm mắt ít tạo nước mắt hơn, dẫn đến khô mắt, gây kích ứng mắt.

Viên uống tránh thai và các liệu pháp điều trị bằng hormon

Nhóm thuốc này cũng có thể gây khô mắt. Phụ nữ sử dụng viên uống tránh thai chỉ chứa estrogen có thể gặp tác dụng phụ khô mắt nhiều hơn những phụ nữ sử dụng viên uống kết hợp estrogen và progesteron. Cơ chế gây khô mắt của nhóm thuốc này chưa được biết rõ, nhưng có thể thuốc ảnh hưởng đến lượng nước được tạo ra trong nước mắt.

Các thuốc điều trị tăng huyết áp

Các thuốc chẹn beta (propranolol, timolol, atenolol…) là nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến. Chúng làm phong bế tác dụng của adrenalin, làm chậm nhịp tim, làm giảm áp lực của máu lên thành mạch, từ đó làm giảm huyết áp. Một trong những tác dụng phụ của thuốc này là làm giảm sản xuất một loại protein có trong nước mắt. Điều này dẫn tới nước mắt được tạo ra ít hơn và mắt trở nên khô hơn. Các thuốc chẹn beta còn làm giảm nhãn áp, làm giảm lượng nước trong nước mắt, là nguyên nhân gây khô mắt.

Thuốc lợi tiểu (acetazolamide, hydroclothiazide, furosemide…) làm thải trừ muối và nước ra khỏi cơ thể, từ đó làm ảnh hưởng đến việc sản sinh ra nước mắt.

Thuốc chống sung huyết mũi

Thuốc chống sung huyết mũi (oxymetazoline, xylometazoline…) thường được dùng để điều trị cảm lạnh hoặc dị ứng dẫn đến chảy mũi. Thuốc hoạt động bằng cách làm co các mao mạch máu ở mũi, giúp dòng khí lưu thông trong mũi dễ dàng hơn, giúp dễ thở. Nhưng cũng tương tự như các thuốc kháng histamin, chúng làm mắt ít sản sinh nước mắt hơn.

Cách nào đề phòng khô mắt do thuốc?

Nếu dùng thuốc người bệnh có cảm giác khô mắt cần báo cho bác sĩ biết mà không được dừng thuốc đột ngột (vì việc dừng thuốc đột ngột này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh).

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và thuốc mà bạn đang sử dụng, bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc, thay vào đó bằng thuốc ít gây khô mắt khi dùng ở liều thấp hơn hoặc chuyển sang một thuốc khác không gây khô mắt.

Ngoài ra, có thể nhỏ nước mắt nhân tạo để duy trì độ ẩm cho mắt. Các loại nước mắt nhân tạo không cần kê đơn có thể dùng như sanlein, systane ultra…


DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo
Ý kiến của bạn