Đề phòng hành vi tự tử do dùng thuốc chống động kinh

02-11-2017 11:02 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Em tôi 23 tuổi, bị động kinh, được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị có gabapentin.

Tuy nhiên khi đọc hướng dẫn sử dụng có nói đến nguy cơ người bệnh sẽ có ý nghĩ tự tử khi dùng thuốc, nên cần phải giám sát bệnh nhân chu đáo. Xin hỏi quý báo, gia đình tôi cần theo dõi những biểu hiện cụ thể như thế nào để ngăn ngừa tình huống xấu này xảy ra?

Phạm Văn Hải (Thái Bình)

Gabapentin được dùng chung với các thuốc khác để phòng ngừa và kiểm soát động kinh. Khi dùng thuốc có thể xảy ra một số tác dụng không mong muốn ít nghiêm trọng của thuốc được biết đến là chóng mặt, buồn ngủ, suy nhược, cảm giác mệt mỏi, mờ mắt, nhức đầu, khô miệng… Bên cạnh đó, người bệnh dùng thuốc có thể gặp phải những vấn đề về thay đổi hành vi. Ở trẻ em, những thay đổi này được biểu hiện như trở nên thù địch hoặc hiếu động, khó tập trung chú ý, buồn ngủ hay có vấn đề về trí nhớ nên cha mẹ cần ngăn chặn và dự phòng trẻ thực hiện các hoạt động có thể gây nguy hiểm như đạp xe cho đến khi biết được tác động của thuốc lên cơ thể trẻ. Đối với người lớn, khi dùng thuốc này có thể có ý muốn tự tử (nghĩ đến hoặc dự định hoặc cố làm hại bản thân hoặc tự tử). Trong các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh một số lượng nhỏ (1/500) người lớn và trẻ em trên 5 tuổi đã nảy sinh ý muốn tự tử khi đang dùng các loại thuốc chống co giật như gabapentin để điều trị nhiều loại bệnh. Một vài người trong số họ có các suy nghĩ tự tử này rất sớm sau 1 tuần bắt đầu điều trị. Điều này có nghĩa là không phải người bệnh nào dùng thuốc cũng gặp phải rủi ro này nhưng nguy cơ vẫn có thể xảy ra. Nếu đã có chỉ định dùng gabapentin, người thân hay người chăm sóc bệnh nhân cần thường xuyên nói chuyện, tâm sự để biết được những thay đổi trong suy nghĩ, tâm trạng người bệnh như luôn nghĩ đến cái chết, tâm trạng phấn kích bất thường, tự tách mình khỏi bạn bè và gia đình, cho đi những tài sản quý giá; chú ý sát sao hành động hàng ngày của họ để xem có những hành vi hung hăng, giận dữ hay bạo lực không, có điên cuồng, cáu gắt, bồn chồn, khó đi vào giấc ngủ, có tự làm tổn thương mình... hay không. Tất cả những sự thay đổi trong tâm lý và hành động này của người bệnh cần được thông báo kịp thời cho bác sĩ điều trị để có hướng xử trí phù hợp.

BS. Nguyễn Văn Đức


Ý kiến của bạn