Đề phòng đột quỵ do rung nhĩ

29-08-2020 15:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim hay gặp nhất. Rung nhĩ làm tăng tỷ lệ tử vong và biến chứng do tim mạch. Cùng với suy tim, rung nhĩ là một bệnh lý quan trọng mới nổi lên trong các bệnh tim mạch do tuổi thọ của người dân ngày càng tăng cao. Rung nhĩ làm tăng 3-5 lần nguy cơ đột qụy, 3 lần nguy cơ bị suy tim và tăng có ý nghĩa nguy cơ tử vong từ 1,5-3 lần. Nguy cơ đột quị do rung nhĩ luôn cao ở mọi lứa tuổi.

Rung nhĩ có thể xuất hiện mà không do bất kỳ một bệnh lý tim mạch thực tổn nào. Tuy nhiên, thường gặp hơn ở bệnh nhân mắc một bệnh lý tim mạch nào đó như bệnh van tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim... Đôi khi có thể gặp ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cường giáp hoặc bệnh tim bẩm sinh.

Các yếu tố nguy cơ của rung nhĩ

Kể cả những người có lối sống lành mạnh và không mắc các bệnh lý nào khác cũng có thể bị rung nhĩ. Các yếu tố nguy cơ chính của rung nhĩ bao gồm: tuổi trên 60, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh lý van tim, tiền sử phẫu thuật tim mở, ngừng thở khi ngủ, bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, lạm dụng rượu hoặc sử dụng chất kích thích, tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý nội ngoại khoa nặng.

Hình ảnh rung nhĩ.

Hình ảnh rung nhĩ.

Triệu chứng của rung nhĩ

Các triệu chứng của rung nhĩ khác nhau tùy từng bệnh nhân, tuy nhiên các triệu chứng chính bao gồm:

Cảm giác mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng (thường gặp nhất); Nhịp tim nhanh hơn bình thường và không đều (lúc nhanh lúc chậm); Thở nông; Hồi hộp đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh, thình thịch, rộn ràng); Khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc giảm khả năng đáp ứng với vận động thể lực; Đau hoặc cảm giác tức nặng ngực; Tiểu tiện nhiều lần.

Chẩn đoán xác định rung nhĩ bằng điện tâm đồ - đây là một xét nghiệm thường quy. Ngoài ra, rung nhĩ có thể được phát hiện nhờ các thiết bị di động gắn trên người bệnh nhân để theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian dài như Holter điện tâm đồ. Bệnh nhân được đeo Holter điện tâm đồ theo dõi nhịp tim trong khoảng từ 1-7 ngày, có khi vài tuần. Các thiết bị này giúp ghi lại nhịp tim cả ngày lẫn đêm, qua đó cung cấp những thông tin chính xác về biến thiên nhịp tim, kể cả khi hoạt động lẫn khi nghỉ ngơi. Điều trị rung nhĩ cần được bắt đầu ngay khi xác định được chẩn đoán.

Điều trị rung nhĩ thế nào?

Kiểm soát tần số thất và chuyển rung nhĩ về nhịp xoang: Trong phần lớn các trường hợp rung nhĩ, digitalis và/ hoặc thuốc chẹn thụ thể bêta giao cảm giúp làm tăng hiệu quả co bóp của tâm thất do làm chậm nhịp tim và có thể phục hồi được nhịp tim bình thường. Các thuốc khác như quinidin sulfat hoặc procainamid có thể được sử dụng thay thế nếu 2 thuốc trên không hiệu quả. Một vài trường hợp rung nhĩ dai dẳng được điều trị bằng sốc điện - người ta dùng một dòng điện phóng vào tim khi người bệnh được giảm đau hoặc gây mê để chuyển nhịp. Khi nhịp tim đã trở về bình thường, cần tiếp tục dùng thuốc duy trì để phòng ngừa rung nhĩ tái phát, nhất là khi bệnh nền là một bệnh mạn tính không thể điều trị triệt để được.

Đối với bệnh nhân rung nhĩ mạn tính, có thể điều trị rung nhĩ qua đường ống thông (catheter ablation). Triệt đốt bằng catheter là phương pháp có hiệu quả và là lựa chọn cho bệnh nhân rung nhĩ có triệu chứng điều trị nội khoa thất bại. Phẫu thuật điều trị rung nhĩ: Phẫu thuật cô lập nhĩ trái (Maze) thường được chỉ định kết hợp với các phẫu thuật tim khác như mổ bắc cầu chủ vành, thay van tim, mổ sửa chữa trong bệnh tim bẩm sinh,... Phẫu thuật sẽ tạo các đường cắt cô lập từng vùng cơ nhĩ, tiểu nhĩ và các tĩnh mạch phổi nhưng vẫn bảo tồn được chức năng dẫn truyền trong nhĩ, nhờ vậy ngăn chặn được sự hình thành các vòng vào lại gây rung nhĩ.

Dự phòng huyết khối phòng chống đột quỵ: Thuốc chống đông dự phòng huyết khối được chỉ định dùng cho tất cả bệnh nhân rung nhĩ, trừ duy nhất trường hợp rung nhĩ đơn độc ở bệnh nhân dưới 60 tuổi (không có bệnh lý tim mạch thực thể kèm theo) hoặc có chống chỉ định dùng thuốc chống đông máu.

Bệnh nhân rung nhĩ có bệnh cơ tim phì đại, hẹp van hai lá hoặc van cơ học phải được điều trị bằng thuốc kháng vitamin K như: wafarin hoặc sintrom.

Bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để phòng nguy cơ rung nhĩ.

Bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để phòng nguy cơ rung nhĩ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Dù làm chậm nhịp tim hay tái lập lại nhịp xoang có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn, nhưng những bệnh nhân này vẫn còn nguy cơ cao tai biến mạch não nên những bệnh nhân này vẫn phải sử dụng thuốc chống đông sau đó.

Để hạn chế nguy cơ rung nhĩ cần tăng cường vận động thể lực, không hút thuốc lá; duy trì cân nặng; hạn chế sử dụng rượu bia; điều trị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường.


BS. Quang Anh
Ý kiến của bạn