Đề phòng chứng an thần kinh ác tính do thuốc an thần

13-07-2019 09:42 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Chứng an thần kinh ác tính là tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng khi dùng thuốc an thần, đặc biệt là các an thần kinh truyền thống được sử dụng những lần đầu ở bệnh nhân.

Do đó, người bệnh cũng như người thân cần biết về rủi ro nghiêm trọng này để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Các thuốc điển hình gây chứng an thần kinh

Chlorpromazine: Là thuốc được sử dụng để điều trị các chứng loạn tâm thần cấp hoặc tiến triển lâu dài, tâm thần phân liệt, các chứng nôn và buồn nôn sau phẫu thuật hoặc do dùng thuốc chống ung thư. Thuốc không được dùng cho người bệnh bị ngộ độc các barbiturat, các opiat và rượu, người bệnh có tiền sử giảm bạch cầu hạt, rối loạn máu, nhược cơ. Liều lượng sử dụng không giống nhau với mọi trường hợp mà được thay đổi theo từng người bệnh và theo mục đích điều trị. Các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc đã được biết đến là tình trạng trầm cảm nhẹ, buồn ngủ, rối loạn vận động (sớm và muộn, hội chứng ngoại tháp), hạ huyết áp thế đứng, khô miệng, táo bón, bất lực, vô kinh, tiết nhiều sữa, lên cân...  Trong đó, cần chú ý tới biến chứng nghiêm trọng là chứng an thần kinh ác tính và người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.Suy thận - một biến chứng của chứng an thần kinh ác tính do thuốc an thần.

Suy thận - một biến chứng của chứng an thần kinh ác tính do thuốc an thần.

Haloperidol: Đây là thuốc an thần kinh thuộc nhóm butyrophenon. Trong chuyên khoa tâm thần, thuốc được dùng để điều trị các trạng thái kích động tâm thần - vận động do những nguyên nhân khác nhau (trạng thái hưng cảm, cơn hoang tưởng cấp, mê sảng, run do rượu); các trạng thái loạn thần mạn tính (hoang tưởng mạn tính, hội chứng paranoia, hội chứng paraphrenia, bệnh tâm thần phân liệt); trạng thái mê sảng, lú lẫn kèm theo kích động; hành vi gây gổ tấn công; các bệnh tâm căn và cơ thể tâm sinh có biểu hiện lo âu (dùng liều thấp). Trong chuyên khoa khác, thuốc có thể được sử dụng để chống nôn, gây mê, làm dịu các phản ứng sau liệu pháp tia xạ và hóa trị liệu bệnh ung thư. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm đau đầu, chóng mặt, trầm cảm và an thần. Triệu chứng ngoại tháp với rối loạn trương lực cấp, hội chứng Parkinson, ngồi nằm không yên. Loạn vận động xảy ra muộn khi điều trị thời gian dài.

Levomepromazine: Là thuốc điều trị các thể tâm thần phân liệt, trạng thái trầm cảm không điển hình kèm lo âu, kích động. Liều thấp để trị các chứng loạn thần kinh và rối loạn tâm thần thực thể. Đây là thuốc không dùng được cho người bị bệnh thận, tim hoặc mắc bệnh gan nặng hay có tiền sử co giật, người quá mẫn với thành phần của thuốc. Một số phản ứng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc như buồn ngủ, choáng váng, hạ huyết áp thế đứng, khô miệng, dị ứng da... trong đó, chứng an thần kinh ác tính cũng là một biến cố nghiêm trọng cần được chú ý đúng mức.

Biểu hiện của chứng an thần kinh ác tính do thuốc

Các triệu chứng toàn thân: Bao gồm tăng thân nhiệt, sốt cao. Bệnh nhân mất tự chủ, tăng huyết áp, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh và trong tình huống nghiêm trọng có thể hạ huyết áp.

Các biểu hiện của hệ thần kinh trung ương: Ban đầu có thể mất phối hợp, rối loạn định hướng, lú lẫn ý thức, thậm chí hôn mê có thể gặp, đặc biệt trường hợp nghiêm trọng như co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương dễ dẫn đến hôn mê. Hiệu ứng thần kinh cơ bao gồm tăng động quá mức, mất điều hòa, run rẩy, rùng mình, cứng cơ và các chi.

Các triệu chứng về hệ tiêu hóa: Bao gồm tiêu chảy, đau bụng dường như không xảy ra trong hội chứng an thần kinh ác tính, khác với hội chứng serotonin.

Trong một số trường hợp nặng, tổn thương tế bào gan, suy thận cấp có thể xảy ra dẫn đến chứng globin cơ niệu kịch phát. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn, nhịp thở nhanh có thể dẫn đến suy hô hấp. Sự tham gia của hệ thống cơ xương được phản ánh trong các triệu chứng giật rung cơ và tăng phản xạ cơ niệu kịch phát. Xét nghiệm tăng bạch cầu là phổ biến, tăng kali huyết, giảm natri huyết, tăng chỉ số CPK (creatinin phosphokinase), tăng enzyme gan. Các biến chứng có thể gặp: tiêu cơ vân, suy thận, co giật... Trong một số trường hợp nghiêm trọng, hội chứng đông máu rải rác nội mạc có thể xảy ra, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Điều trị thế nào?

Chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào được biết đến đối với hội chứng an thần kinh ác tính. Dưới đây là những phương pháp điều trị đã được sử dụng:

Ngay lập tức ngừng sử dụng thuốc: Tất cả các thuốc an thần kinh và bất kỳ kháng dopamine nào khác cần được ngừng sử dụng ngay, đồng thời thực hiện điều chỉnh nước và điện giải hỗ trợ các chức năng vì các vấn đề phát sinh như giảm thân nhiệt hoặc sốt.

Về dùng thuốc: Nhanh chóng tiêm tĩnh mạch liên tục thuốc dantrolen (dantrium) cho đến khi có hiệu quả hoặc cho đến khi đạt liều tối đa trong suốt giai đoạn cấp. Đối với thời kỳ lui bệnh có thể tiếp tục dùng thuốc theo đường uống cùng với một số thuốc khác như bromocriptin, amantadin, levodopa, benztropin... theo chỉ định của bác sĩ. Liệu pháp sốc điện ECT có thể được áp dụng, đặc biệt đối với những trường hợp kháng thuốc.

Có dự phòng được biến cố này?

Để dự phòng chứng an thần kinh ác tính, khi sử dụng thuốc hướng thần nói chung, đặc biệt các an thần nhóm neuroleptic cần hết sức thận trọng. Khi dùng cần tăng dần liều, không dùng liều cao ngay. Khi có biểu hiện chứng an thần kinh ác tính, cần dừng thuốc và theo dõi tích cực, nhập viện là rất cần thiết và có khả năng phải điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt khi xác định hội chứng này để được xử trí kịp thời.


PGS.TS. Cao Tiến Đức
Ý kiến của bạn