Các tai nạn cháy nổ gây hại cho mắt chủ yếu theo 3 cơ chế: Gây bỏng do nhiệt cho nhãn cầu và các phần phụ cận của nhãn cầu; Sức ép của vụ nổ tác động đè ép lên mắt theo hướng trực tiếp gây chấn thương đụng dập các tổ chức nội nhãn hoặc nếu sức ép quá lớn có thể gây vỡ nhãn cầu; Mảnh văng ra từ các chất cháy nổ có thể là mảnh kim loại, đất đá với lực đâm xuyên mạnh đều có khả năng gây hại cho tổ chức nội nhãn với cấu trúc thần kinh và quang học tinh vi. Thực tế, tổn thương mắt do cháy nổ thường phối hợp do cả 3 cơ chế trên.
Nhiều dạng tai nạn cháy nổ
Trong khi lao động, có nhiều bệnh nhân đến cấp cứu do nổ nồi hơi, nổ bình ắc-quy, nổ cầu chì, chập nổ điện...
Ở nước ta, dù chiến tranh đã qua khá lâu nhưng những bom mìn còn sót lại khá nhiều và người dân vẫn dễ gặp nạn khi cuốc đất làm ruộng, đào móng làm nhà hoặc trẻ em vô tình nhặt được đạn chưa nổ, hoặc những vụ nổ bom mìn tự chế...
Gần đây, do việc dùng thuốc nổ bừa bãi để khai thác đá, đánh cá thì các tai nạn thương tâm ngày càng nhiều lên. Tai nạn sinh hoạt do pháo nổ, pháo giấy của Trung Quốc cũng không quá hiếm, nhất là trong dịp tết, lễ hội, đám cưới. Nổ bình gas khi bơm gas hay đun nấu cũng gây đa chấn thương, trong đó có chấn thương mắt. Ở các nước công nghiệp phát triển còn gặp các trường hợp bỏng do nổ phóng xạ.
Thanh niên bị hỏng mắt do pháo nổ.
Các tổn thương toàn thân
“Cứu sinh mạng trước khi cứu chức năng” vì thế, chúng ta nên lưu ý phát hiện và xử trí ngay các tổn thương gây nguy hiểm tính mạng của bệnh nhân: shock, mất máu, vỡ tạng, chấn thương sọ não, tổn thương cắt cụt chi... Bỏng các mức độ ở một vị trí hay toàn thân cũng là tổn thương hay gặp. Các vụ nổ có thể gây ra các vết thương xuyên thấu hay xuyên có dị vật cho cả mắt và toàn thân.
Các tổn thương tại mắt
Tổn thương do mìn nổ thường xảy ra ở cả hai mắt và với những tổn thương hết sức nặng nề, nguy cơ gây mù lòa cao.
Nếu là tai nạn bỏng nhiệt đơn thuần thì các tổn thương thường không nặng nề do cơ chế tự bảo vệ của mắt. Nguồn nhiệt hay lửa nếu tác động vào vùng mặt thì rất nhanh mắt thường nhắm kín lại, nhãn cầu được ẩn trú dưới mi trên, nhờ vậy, mắt ít bị tổn hại trực tiếp. Tuy nhiên, lửa hay nguồn nhiệt có thể gây cháy lông mi, bỏng da mi hay khi qua khe mi có thể làm bỏng kết mạc - giác mạc.
Tuy rằng, các tổn thương đa phần đáp ứng với điều trị tốt nhưng cũng có khi để lại sẹo giác mạc làm giảm thị lực. Sẹo ở mi mắt có thể gây hở mi hoặc gây lông quặm, xấu về mặt thẩm mỹ.
Các vụ nổ bình hóa chất như bình ắc-quy còn có thể gây hại cho mắt theo cơ chế bỏng do hóa chất: bỏng kiềm, bỏng acid.
Tai nạn cháy nổ sẽ đáng sợ hơn nếu các mảnh văng ra từ ngòi nổ, có tốc độ cao, khả năng đâm xuyên lớn mang theo cả những dị vật là đất đá, kính vỡ... gây ra các vết thương xuyên qua thành của nhãn cầu để lại dị vật nội nhãn hoặc vết thương xuyên thấu vào hốc mắt gây dị vật hốc mắt. Dạng chấn thương này thường gây tổn thương phối hợp cả chấn thương xuyên và chấn thương đụng dập gồm rách vỏ bọc của nhãn cầu (giác mạc, củng mạc), nhiều dị vật ở da mi, kết mạc, giác mạc, phá hủy các tổ chức nội nhãn. Bệnh nhân đau và chảy máu nhiều, giảm thị lực mạnh, phòi các chất nội nhãn ra ngoài. Kèm theo với sức ép lớn của hỏa khí gây chấn thương đụng dập, dập nát tổ chức. Ngoài ra, các phần phụ cận của mắt cũng có thể bị tổn thương như rách mi, tổn thương đường dẫn nước mắt.
Nếu mắt có va đập vào các vật tù trong quá trình tai nạn thì một số tổn thương đặc thù sẽ xuất hiện. Nhẹ là phù hay tụ máu mi, nặng nề hơn là hàng loạt tổn thương như: xuất huyết nội nhãn, rách hoặc đứt mống mắt và cơ co đồng tử, lệch hoặc đục thể thủy tinh, tăng nhãn áp nhất thời hay mạn tính, rách võng mạc, vỡ hắc mạc, phù võng mạc, tổn hại thần kinh thị giác và xương hốc mắt. Nặng nề nhất là vỡ nhãn cầu, thoát các tổ chức bên trong ra ngoài. Những chấn thương hỏa khí thường gây vết thương nhãn cầu, nhiều dị vật bề mặt và nội nhãn gây kích thích kéo dài và nguy cơ viêm mủ nội nhãn rất cao.
Do tính chất nghiêm trọng như vậy, bệnh nhân cần được thăm khám và xử lý tại cơ sở chuyên khoa mắt.
Sơ cứu và hướng xử trí ban đầu khi gặp chấn thương do hỏa khí
Cần tuân theo những nguyên tắc chính sau đây, công việc tiếp theo sẽ là của bác sĩ chuyên khoa mắt:
Loại trừ các yếu tố đe dọa sinh mạng bệnh nhân: giảm đau, chống sốc, truyền máu, phẫu thuật ngoại khoa cấp cứu ...Với các tổn thương mắt trước khi chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa mắt cần ghi chép tình huống chấn thương, tác nhân, ngày giờ xảy ra tai nạn. Bệnh nhân bị bỏng nhiệt đơn thuần cần được giảm đau tốt, có thể đắp gạc tẩm huyết thanh hoặc tra mỡ kháng sinh trước khi chuyển bệnh nhân đi. Nếu bệnh nhân có bỏng hoá chất cần tiến hành rửa mắt lần đầu bằng nước sạch, tốt hơn là nước muối 0,9%.
Nếu có vết thương xuyên nhãn cầu không có dị vật thì nên băng mắt bằng băng mềm hoặc dùng băng che mắt có đục lỗ để bảo vệ mắt, chống chảy máu và thoát các chất nội nhãn ra ngoài. Dùng kháng sinh phòng nhiễm trùng và chuyển bệnh nhân đi.
Trường hợp thấy có mảnh cắm vào mắt không nên cố gắng lấy ra. Các bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ xử trí trường hợp này trong phòng mổ.