1. Nguyên nhân gây hen suyễn
Có nhiều nguyên nhân gây ra các cơn hen suyễn như:
- Hít phải mạt bụi nhỏ li ti trong không khí có ở hầu hết mọi nơi trong nhà cũng như nơi làm việc. Chính vì thế cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống và làm việc. Không nên dùng gối nhồi lông ngỗng, chăn lông, không để thú nhồi bông ở phòng ngủ…
- Khói thuốc lá: Ảnh hưởng rất xấu tới những người bị hen suyễn.
- Ô nhiễm không khí: Ô nhiễm từ các nhà máy, phương tiện giao thông và các nguồn khác có thể gây cơn suyễn. Vì thế cần chú ý tới dự báo chỉ số chất lượng không khí để điều chỉnh hoạt động của mình.
- Dị ứng với thú nuôi: Lông chó mèo… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Cần chú ý giữ vệ sinh, nên hút bụi thường xuyên sàn nhà bằng cần lau hoặc khăn ẩm hàng tuần.
- Dị ứng với gián: Gián và phân gián cũng có thể gây bệnh.
- Nấm mốc: Hít thở phải nấm mốc trong các vật dụng thiết yếu cũng gây ra cơn suyễn. Nấm mốc thường phát triển ở môi trường có độ ẩm cao vì thế thời tiết ẩm thấp cần sử dụng điều hòa không khí hoặc máy giảm độ ẩm.
- Khói do đốt gỗ hoặc cỏ: Khói do đốt gỗ hoặc thực vật khác tạo nên hỗn hợp khí và các mảnh than nhỏ có hại. Hít phải quá nhiều khói là nguyên nhân gây suyễn.
Ngoài ra bệnh có thể do các nguyên nhân khác gây ra như: Cơ thể bị cảm cúm, cảm lạnh, siêu vi hợp bào hô hấp… . Viêm xoang, dị ứng, hít phải hóa chất, bị trào ngược axit dạ dày- thực quản cũng là nguyên nhân gây bệnh; Hít phải không khí lạnh và khô, khói nhang; Sử dụng một số loại thuốc ( như aspirin), thực phẩm, gia vị và hương liệu có thể gây bệnh; Không cân bằng được cảm xúc quá buồn, quá vui…; Do các chất bảo quản thực phẩm …
2. Biểu hiện của bệnh
- Triệu chứng đầu tiên điển hình nhất của hen suyễn là ho và khò khè. Ho kéo dài và thường hay xảy ra nhất là lúc thời tiết chuyển mùa, nóng, lạnh đột ngột, ẩm ướt hoặc rét khô. Ho cả ngày lẫn ban đêm nhưng đêm thường nặng hơn. Ho khan, ho từng tiếng một.
- Thông thường bệnh nhân hen suyễn có kèm theo viêm mũi dị ứng, viêm họng… nên triệu chứng ho của bệnh hen rất dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác.
- Khò khè do bị co thắt phế quản. Khò khè đặc biệt vào ban đêm và thường nặng hơn khi mưa nhiều, lạnh, ẩm ướt, có gió mùa đông bắc. Cần cảnh giác với cơn hen ác tính khi trời lạnh, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Nhiều đờm do tăng xuất tiết. Người bệnh cảm thấy nặng ngực và khó thở. Khó thở thường tái phát nhiều lần. Nhiều trường hợp bị sốt do có bội nhiễm đường hô hấp vì thế bệnh sẽ trở nên nặng hơn đặc biệt là người cao tuổi.
3. Những đối tượng dễ mắc bệnh hen suyễn
Hen suyễn xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Một số đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh như: Người có cơ địa dị ứng; Trẻ có bố mẹ mắc suyễn; Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tái phát nhiều lần; Người dị ứng với hóa chất, khói bụi, khói thuốc lá; Người có tiền sử mắc bệnh dị ứng về da, hô hấp; Người thừa cân, béo phì.
4. Biến chứng của bệnh hen suyễn
Đây là bệnh phổ biến nhưng người bệnh hay chủ quan khiến bệnh tiến triển nhanh và trầm trọng. Nếu không được xử trí và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị các biến chứng nguy hiểm:
- Xẹp phổi: thường xảy ra ở trẻ em;
- Khí phế thũng, tâm phế mạn tính;
- Biến dạng lồng ngực hay mắc suy hô hấp mạn tính;
- Tràn khí màng phổi khiến người bệnh gặp nguy cơ gây tử vong cao;
- Biến chứng trong quá trình điều trị: dùng corticoid kéo dài...
5. Phương pháp điều trị hen suyễn hiệu quả
Đến nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh. Vậy nên ngăn ngừa đợt cấp và kiểm soát triệu chứng là mục tiêu trong điều trị hen suyễn.
Nội khoa
Tùy vào thể trạng bệnh nhân bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc kiểm soát hen có corticoid đường phun hít, thường kết hợp thuốc kích thích beta giao cảm kéo dài làm giảm các đợt cấp nặng. Người bệnh hen suyễn cần chuẩn bị sẵn thuốc để phòng ngừa các cơn hen đến bất ngờ.
Tránh các yếu tố nguy cơ có thể gây cơn hen
Thực hiện đúng chỉ dẫn dùng thuốc của bác sĩ; Được tập huấn kiến thức và kỹ năng cơ bản khi bị hen; Thực hiện đúng các kỹ thuật phun, hít thuốc; Theo dõi kỹ triệu chứng và biết đánh giá mức độ của các cơn hen; Tái khám định kỳ giúp kiểm soát bệnh
6. Làm thế nào để tránh các cơn hen suyễn trong thời tiết giá lạnh?
Không khí lạnh khô làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn trong mùa đông. Vì vậy khi thời tiết lạnh giá để ngăn ngừa các cơn hen suyễn, hãy ở trong nhà. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy che mũi và miệng kín. Giữ ấm cơ thể, vùng cổ, hạn chế tiếp xúc với không khí lạnh để giảm nguy cơ bùng phát cơn hen;
Uống thêm nước: Nước giúp bổ sung chất lỏng cho cơ thể và hạn chế chất nhầy trong phổi; Tránh tiếp xúc với người bệnh cảm cúm; Tiêm vaccine cúm hàng năm; Giữ vệ sinh, hút bụi và lau nhà thường xuyên; Giặt ga gối…bằng nước nóng để loại bỏ mạt bụi; Thể dục nhẹ nhàng thường xuyên…
Hen suyễn là bệnh hô hấp nguy hiểm, vì thế cần chú ý đến các tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng đến các triệu chứng của bệnh rất quan trọng. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi, lạnh bất thường người bệnh cần chú ý để kiểm soát thật tốt các cơn hen để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Mời xem thêm video được quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C