Gây tê tủy sống là một trong những phương pháp giảm đau phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong phẫu thuật. Đây là một kỹ thuật đơn giản, hiệu quả với tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, phương pháp này vẫn còn những tác dụng và hậu quả không mong muốn xảy ra. Liên quan đến việc 2 sản phụ tử vong nghi do ngộ độc thuốc gây tê tại Đà Nẵng, bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc hiểu thêm về những biến chứng có thể xảy ra khi gây tê tủy sống.
Một số ưu điểm của gây tê tủy sống bao gồm giảm tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu, giảm mất máu trong phẫu thuật, cũng như ngăn ngừa suy hô hấp trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là ở những bệnh nhân có vấn đề về đường hô hấp và bệnh hô hấp. Tuy nhiên, những trường hợp gặp phải hậu quả không mong muốn cùng những tác dụng phụ khác cũng đặt ra một thách thức thực sự đối với việc sử dụng thuốc gây tê tủy sống.
Hạ huyết áp
Hạ huyết áp là một biến chứng khó tránh khỏi của gây tê tủy sống. Giảm huyết áp có thể bắt đầu với biểu hiện buồn nôn và nôn. Trong trường hợp mang thai, việc giảm huyết áp ở mức tới hạn có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé, và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn trong một thời gian dài. Tăng huyết áp, tuổi cao, chỉ số khối cơ thể tăng, cân nặng khi sinh cao hơn bình thường được coi là yếu tố nguy cơ hạ huyết áp khi thực hiện phẫu thuật với gây tê tủy sống.
Hạ thân nhiệt
Giảm nhiệt độ cơ thể thường gặp sau khi gây tê tủy sống. Nhiệt độ giảm khiến người bệnh rét run, đặc biệt là trong giai đoạn hậu phẫu. Hạ thân nhiệt gây ra đông máu và nhiễm trùng. Vì thế cần đặc biệt chú ý biến chứng này, nhất là ở trẻ em, sản phụ và bệnh nhân tuổi cao.
Đau đầu
Đau đầu sau gây tê tủy sống là một biến chứng thường thấy ở phụ nữ trung niên và bệnh nhân sản khoa. Phân biệt đau đầu sau gây tê tủy sống với các nguyên nhân gây đau đầu khác là cơn đau thường xảy ra ở vùng chẩm trước (vùng xung quanh trán, sau mắt hoặc đáy hộp sọ) và bắt đầu khi chuyển từ tư thế nằm ngửa sang ngồi hoặc đứng lên. Mức độ đau thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể âm ỉ hay đau nhói từng cơn. Chóng mặt, buồn nôn và nôn có thể gặp ở một số bệnh nhân. Nhức đầu thường xuất hiện vào ngày thứ hai hậu phẫu và có thể kéo dài từ 1-4 ngày, nhưng có trường hợp sớm nhất là 20 phút sau khi thực hiện gây tê tủy sống. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch não tủy rò rỉ qua lỗ thủng màng cứng, làm giảm lớp rào cản đệm của dây thần kinh cảm giác, tăng áp lực não tủy.
Tỷ lệ mắc đau đầu sau gây tê tủy sống đã được báo cáo ở mức 2,5% ở bệnh nhân sản khoa và 0,37% ở các ca gây tê tủy sống. Tỷ lệ này cũng phụ thuộc vào loại kim và vị trí chọc kim cũng như tay nghề của phẫu thuật viên.
Mất thính giác là một biến chứng khác liên quan đến dịch não tủy rò rỉ qua lỗ thủng màng cứng. Biến chứng khiếm thính đặc biệt ảnh hưởng đến tần số thấp trên thính lực.
Bên cạnh những ưu điểm, gây tê tủy sống vẫn còn những tác dụng không mong muốn.
Triệu chứng thần kinh
Các triệu chứng bao gồm đau, cảm giác nóng rát ở mông, khó tiêu và dị cảm có thể được quan sát sau khi gây tê tủy sống. Những triệu chứng này thường thoáng qua và giảm dần trong vòng 2 ngày. Trong một đánh giá khoa học, các tác giả chỉ ra rằng nguy cơ này thấp hơn với các thuốc gây tê cục bộ như bupivacaine, mepivacaine và prilocaine.
Bí tiểu
Gây tê tủy sống có thể gây bí tiểu, làm căng bàng quang trong giai đoạn hậu phẫu, tạo ra sự khó chịu cho bệnh nhân và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm chấn thương cơ detrusor vĩnh viễn. Đặt ống thông bàng quang là biện pháp giải tỏa bí tiểu, căng bàng quang nhưng không phải là vô hại - nguy cơ chấn thương niệu đạo và các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng. Chức năng đi tiểu tự phát có thể cần một thời gian (ít nhất 2 giờ) để hồi phục sau hậu phẫu.
Một số yếu tố nguy cơ phẫu thuật có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh bí tiểu, chẳng hạn như phẫu thuật hậu môn trực tràng, thoát vị bẹn, phẫu thuật chỉnh hình (đặc biệt là hông), phẫu thuật bụng, phẫu thuật thẩm mỹ và thời gian chuyển dạ kéo dài. Bí tiểu sau gây tê tủy sống thường gặp ở nam giới, từ 50 tuổi trở lên và có các vấn đề về tiểu tiện.
Biến chứng huyết học
Tụ máu cột sống sau gây tê tủy sống là một biến chứng nặng nề cần phải can thiệp phẫu thuật sớm để ngăn ngừa tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Về mặt kinh điển, tỷ lệ mắc biến chứng này đã được ghi nhận là 1/ 220.000 bệnh nhân được gây tê tủy sống, nhưng tỷ lệ mắc bệnh thực tế vẫn chưa được biết và được cho là đang gia tăng. Tuổi cao, giới tính nữ, bệnh nhân dùng thuốc ảnh hưởng đến đông máu là yếu tố nguy cơ. Do đó, bệnh nhân dùng nhiều hơn một loại thuốc ảnh hưởng đến đông máu nên được đánh giá cẩn thận.
Nhiễm trùng
Mặc dù viêm màng não do vi khuẩn sau khi gây tê tủy sống là một biến chứng hiếm gặp, nhưng trong trường hợp xảy ra, nó có thể gây ra tác hại nghiêm trọng, bao gồm khuyết tật thần kinh vĩnh viễn và tử vong. Áp-xe ngoài màng cứng thường do vi khuẩn trên da, vi khuẩn thường gặp nhất là S. aureus. Các nguyên nhân gây nhiễm trùng ít phổ biến khác là liên cầu khuẩn hiếu khí và kỵ khí và trực khuẩn gram âm kỵ khí. Do đó, nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa trong khi thực hiện gây tê tủy sống, đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Biến chứng thần kinh
Tỷ lệ tổn thương thần kinh vĩnh viễn sau khi gây tê tủy sống dao động trong khoảng từ 0 - 4,2/ 10.000 bệnh nhân. Bệnh lý cột sống hoặc bệnh lý trước đó làm tăng tỷ lệ biến chứng thần kinh sau phẫu thuật có gây tê tủy sống. Xác định sai vị trí tiêm gây tê có thể tạo điều kiện cho chấn thương thần kinh.
Ngừng tim và tử vong
Rối loạn nhịp tim và ngừng tim là những biến chứng đáng lo ngại nhất liên quan đến gây tê tủy sống. Các bác sĩ lâm sàng phải thận trọng khi thực hiện tiêm sâu, đặc biệt ở những bệnh nhân có trọng lượng cơ thể cao, vì nó có thể dẫn đến tử vong trong giai đoạn sớm hậu phẫu.