Màng phổi gồm lá thành và lá tạng, giữa hai lá có khoảng trống. Bình thường trong khoảng trống có một ít dịch sinh lý để làm bôi trơn khi phổi hoạt động làm cho lá thành và lá tạng chuyển động nhịp nhàng. Khi lượng dịch vượt quá chỉ số sinh lý bình thường tức là có sự xuất tiết xuất hiện làm ứ đọng dịch trong khoang màng phổi đến một mức độ nhất định sẽ gây tràn dịch màng phổi.
Nguyên nhân nào?
Ở Mỹ hàng năm có khoảng xấp xỉ một triệu trường hợp tràn dịch màng phổi được phát hiện, ở nước ta có khoảng 1.000 trường hợp được chẩn đoán và can thiệp hàng năm.
Thực chất của tràn dịch màng phổi là biểu hiện hoặc biến chứng của nhiều loại bệnh khác nhau. Tràn dịch màng phổi có thể do viêm phổi bởi vi khuẩn họ cầu khuẩn, Hemophilus influenzae, St. pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, vi khuẩn lao (Mycobacterium). Tràn dịch màng phổi cũng có thể do u ác tính hoặc ung thư phổi. Một số bệnh như áp-xe dưới cơ hoành, áp-xe gan, xơ gan cổ trướng, viêm tuỵ tạng, viêm màng ngoài tim, suy tim sung huyết, chấn thương lồng ngực cũng có thể gây tràn dịch màng phổi. Bên cạnh đó, bệnh thấp khớp mãn tính hoăc luput ban đỏ cũng có thể gây nên tràn dịch màng phổi. Một tỉ lệ rất thấp tràn dịch màng phổi do ký sinh trùng gây nên như: bệnh lỵ amíp, bệnh giun chỉ, bệnh sán lá gan cũng có thể gặp.
Triệu chứng và di chứng
Đau ngực là triệu chứng khởi đầu và điển hình của tràn dịch màng phổi. Đau âm ỉ phía bên tràn dịch, nhất là khi nằm nghiêng về phía bên đó thì sẽ đau tăng lên. Khó thở cũng là một triệu chứng hay gặp trong tràn dịch màng phổi. Đồng thời có thể có sốt, sốt thường biểu hiện của triệu chứng nhiễm trùng do vi sinh vật gây ra và là phản ứng của cơ thể.
Để chẩn đoán xác định tràn dịch màng phổi, ngoài khám lâm sàng thì cần chụp X-quang phổi...
Vì vậy, nếu bệnh xảy ra ở người cao tuổi, sức yếu thì thân nhiệt tăng lên không nhiều hoặc không tăng (không sốt). Ho khan cũng có thể xuất hiện khi tràn dịch màng phổi nhưng số lần nhiều hay ít cũng như sốt cao hay sốt vừa còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh (viêm phổi do vi sinh vật, lao phổi thì ho nhiều hơn các bệnh như: áp-xe gan, áp-xe cơ hoành…). Để chẩn đoán xác định tràn dịch màng phổi, ngoài khám lâm sàng (lồng ngực biến dạng, gõ đục, tiếng cọ màng phổi,...) thì cần chụp X-quang phổi (hình mờ đậm, đồng đều, dịch thường ở dưới thấp, có khi mờ ở cả hai bên phổi, tim bị đẩy sang bên đối diện) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm màng phổi. Nếu có điều kiện chọc dò màng phổi để quan sát màu sắc, tính chất của dịch, xét nghiệm dịch màng phổi bằng các phương pháp khác nhau để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Hậu quả của tràn dịch màng phổi ảnh hưởng rất lớn đến hô hấp gây thiếu dưỡng khí, di chứng để lại phụ thuộc vào thể bệnh.
Di chứng thường gặp viêm kết dính màng phổi đơn thuần hay viêm dày màng phổi hoặc vôi hóa màng phổi. Nếu do vi khuẩn lao thì có thể gây viêm mủ màng phổi. Di chứng này thường xảy ra trong trường hợp có hiện tượng viêm dày dính màng phổi trên diện rộng và có sự vôi hóa màng phổi. Đây là dấu hiệu báo động khả năng bệnh lao tiến triển trở lại, do đó bệnh nhân cần được theo dõi chu đáo.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Tràn dịch màng phổi do nhiều bệnh khác nhau gây nên, trong đó có những nguyên nhân rất phức tạp như: ung thư phổi, u ác tính các cơ quan lân cận, xơ gan, suy tim, suy thận gây nên tràn dịch mang phổi. Vì vậy, nếu không phải do u ác tính gây nên thì việc điều trị tràn dịch màng phổi có nhiều thuận lợi, nếu phát hiện sớm. Mỗi một loại bệnh khi xác định được và điều trị dứt điểm thì cũng đồng nghĩa với hiện tượng ngừng tràn dịch màng phổi.
Đau ngực là triệu chứng khởi đầu và điển hình của tràn dịch màng phổi
Trong tràn dịch màng phổi thường được chọc hút dịch vừa để làm các xét nghiệm cần thiết vừa để giải quyết khó thở cho người bệnh. Khi đã xác định được nguyên nhân thì vấn đề điều trị căn nguyên để làm giảm hoặc hết hiện tượng tràn dịch màng phổi là hết sức cần thiết.
Sau điều trị hết tràn dịch, các bác sĩ thường phải can thiệp bằng các thuốc chống dính màng phổi vì đã tiên lượng được hậu quả hay gặp nhất của tràn dịch màng phổi là gây dày, dính màng phổi ảnh hưởng rất lớn đến chức năng hô hấp. Hiện nay, việc điều trị tràn dịch màng phổi có nhiều tiến bộ với kỹ thuật phẫu thuật nội soi.
Đề phòng biến chứng của tràn dịch màng phổi, thường dùng các loại thuốc chống dính kết hợp liệu pháp vận động (tập thở để phổi co giãn nhanh, phục hồi khả năng hô hấp). Các biện pháp này cần được thực hiện sớm và kéo dài. Với nguyên nhân do lao thì cần thực hiện nghiêm chỉnh phác đồ, thời gian điều trị, tuyệt đối không ngừng thuốc sớm và cần có chế độ dinh dưỡng tốt. Song song với điều trị bằng các kháng sinh đặc hiệu, bệnh nhân cần kiên trì, bền bỉ tập luyện phục hồi chức năng.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU