Đề phòng biến chứng mắt do đái tháo đường

16-11-2019 06:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trong các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), biến chứng mắt cũng thường xảy ra.

Sau khoảng 5-7 năm mắc bệnh, dù được điều trị bài bản, một nửa số bệnh nhân có thể có một trong ba biến chứng mắt ĐTĐ là đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và bệnh lý võng mạc. Bệnh lý võng mạc cũng là nguyên nhân chính gây mù lòa ở người ĐTĐ. Do đó, bệnh nhân ĐTĐ cũng nên kiểm tra mắt định kỳ, đặc biệt ở những người mắc bệnh lâu năm.

Bệnh lý võng mạc do ĐTĐ.

Bệnh lý võng mạc do ĐTĐ.

Biến chứng mạn tính của ĐTĐ

ĐTĐ là bệnh nội tiết quan trọng, liên quan đến chuyển hóa nhóm chất carbohydrate, tiêu biểu là glucose, cung cấp năng lượng cho tất cả tế bào trong cơ thể. Do đó, ĐTĐ có rất nhiều biến chứng mạn tính trên nhiều hệ thống như: tim mạch (tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, xơ tắt động mạch ngoại vi...);  nhiễm trùng (glucose máu cao, tổn thương tại chỗ và suy giảm miễn dịch là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây nên nhiễm trùng. Người ĐTĐ rất dễ bị lao phổi, bàn chân ĐTĐ, viêm đường tiểu...); thận ĐTĐ làm tổn thương vi mạch máu thận, tổn thương màng đáy gây tiểu albumin, giảm chức năng lọc của thận, suy thận); thần kinh (thường xuất hiện sớm nhất bao gồm các cảm giác đau, tê, nóng ở chân, hay tiết mồ hôi...); mắt (ĐTĐ có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, đặc biệt tạo các tổn thương hệ thống mao mạch ở đáy mắt gây ra bệnh lý đáy mắt là nguyên nhân chính gây mù lòa).

Biến chứng võng mạc do ĐTĐ

Để biết bệnh nhân ĐTĐ có bị biến chứng võng mạc hay không, cần phải làm kỹ thuật cận lâm sàng như chụp mạch máu võng mạc. Đây là một thủ thuật quan trọng giúp thầy thuốc chuyên khoa thấy rõ hình ảnh vị trí mạch máu võng mạc cũng như đánh giá được mức độ tổn thương, thay đổi bệnh lý. Sau này, kỹ thuật chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang với chất màu huỳnh quang bơm vào mạch máu, hình ảnh võng mạc chụp được có màu sắc và rõ ràng hơn rất nhiều.

 

Bệnh nhân ĐTĐ cần được kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng võng mạc.

Bệnh nhân ĐTĐ cần được kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng võng mạc.

Về bệnh lý võng mạc của ĐTĐ, người ta ghi nhận ở các bệnh nhân dù được điều trị thường xuyên, với nồng độ đường trong máu được kiểm soát ổn định thì cũng vẫn có đến 60% số bệnh nhân bị biến chứng võng mạc mắt sau 10 năm bị bệnh.

Nếu không được kiểm tra và chữa trị kịp thời thì các tổn thương mắt này rất khó hồi phục. Do đó, cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên đoàn ĐTĐ Thế giới (IDF) đều khuyến cáo bệnh nhân ĐTĐ cần được kiểm tra mắt định kỳ, để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng võng mạc.

Ở Việt Nam, thống kê gần đây nhất tỷ lệ ĐTĐ là 5,6% và tiền ĐTĐ là 18%. ĐTĐ là bệnh mạn tính, bệnh nhân phải học cách “sống chung” với nó. Ngoài theo đúng chế độ điều trị “kiềng 3 chân”: Ăn uống, vận động, thuốc men, người ĐTĐ cũng cần theo dõi để phát hiện và xử lý sớm biến chứng...

Biến chứng mắt, đặc biệt các bệnh lý võng mạc, là nguyên nhân chính gây mù lòa cho những người ĐTĐ lâu năm. Điều nguy hiểm là các biến chứng võng mạc mắt thường ít có dấu hiệu để bệnh nhân cảm nhận, và khi có rối loạn thị giác thì đã muộn. Tùy theo tổn thương và giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng những biện pháp khác nhau như: dùng tia laser; phẫu thuật và điều trị bằng thuốc.

Mắt là “cửa sổ tâm hồn”, cũng dễ tổn thương khi bị ĐTĐ. Những biến chứng này có thể ngăn chặn, giảm thiểu hay điều trị ổn định nếu phát hiện sớm.


TS.BS. Trần Bá Thoại
Ý kiến của bạn