Hà Nội

Đề phòng bệnh hay gặp khi làm việc với máy tính

07-04-2020 10:56 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ngày nay, ở nước ta máy tính được phổ cập rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ và những người làm việc văn phòng. Đặc biệt là trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID- 19, việc ngồi hàng giờ ôm máy tính là điều xảy ra hàng ngày. Nếu sử dụng máy tính không đúng tư thế sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Dưới đây là các vấn đề sức khoẻ thường gặp

Theo các tài liệu nghiên cứu liên quan, thường xuyên sử dụng máy tính có thể gây nên nhiều nguy hại, bao gồm:

Gánh nặng cho thị giác

Khi sử dụng máy tính, mắt phải nhìn vào màn hình trong thời gian dài, rất nhiều cuộc điều tra cho thấy, phần lớn người sử dụng máy tính thường xuyên phàn nàn mắt mờ, mắt khô, nhức mỏi, mức phổ biến của các triệu chứng kích ứng mắt có thể lên tới trên 50%. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đủ chứng cứ cho thấy, sử dụng máy tính trong thời gian dài sẽ dẫn tới cận thị hay các vấn đề nghiêm trọng khác về thị lực.

Các nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới thị giác bao gồm: thời gian người sử dụng nhìn màn hình, cự ly vị trí và góc độ đặt màn hình, độ sáng và góc độ của nguồn sáng bên ngoài, chất lượng hình ảnh của màn hình như thiết lập về độ nhấp nháy, độ tương phản, độ sáng và độ phân giải, và cả nhân tố thị lực và mắt kính sử dụng của cá nhân, v.v.

Phần lớn người sử dụng máy tính thường xuyên phàn nàn mắt mờ, mắt khô, nhức mỏi.

Nguy cơ tâm thần do sử dụng máy tính nhiều

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đối tượng dân văn phòng, công nghệ, hay những người tiếp xúc, sử dụng máy vi tính quá nhiều… rất dễ bị rối loạn tâm thần hay có những tác động mạnh về tâm lý.

Xã hội hiện đại với những áp lực rất lớn về công việc nên bất cứ nghề nào cũng có người bị các chứng bệnh tâm thần ở các dạng khác nhau. Những yếu tố biểu hiện sự căng thẳng về tâm lý, căng thẳng về ý nghĩ, căng thẳng về cảm xúc, căng thẳng về hành vi, khó chịu về cơ thể, đau đầu, ăn không ngon miệng… đều là những triệu chứng của rối loạn tâm thần.

Với những người sử dụng máy tính nhiều trong thời gian quá dài (trên 8 tiếng 1 ngày) khi vì một lý do gì đó mà không được sử dụng máy, hoặc không có máy tính để dùng sẽ dễ rơi vào tình trạng bải hoải, bồn chồn, khó chịu, giống như nghiện game vậy. Trong trường hợp đó người bệnh thường tìm mọi cách có máy tính để sử dụng thì mới cảm thấy yên tâm.

Các chuyên gia giải thích, nếu tình trạng đó diễn ra trong thời gian dài rất dễ  rơi vào trầm cảm, rối loạn tâm thần, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc.

Ngoài ra, việc dùng lâu bàn phím có thể dẫn tới những chấn thương các ngón tay không đáng có, các bệnh về cột sống, tình trạng khô mắt và các phản ứng cơ thể như mỏi mệt, căng thẳng, kém tập trung chú ý. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh.

Khi bệnh ở mức độ nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh (bệnh nhân tự sát) hoặc những người xung quanh (gây hại người khác trước khi tự sát).

Những người tiếp xúc, sử dụng máy vi tính quá nhiều… rất dễ bị rối loạn tâm thần . Ảnh minh họa.

Hệ thống cơ xương

Đây là vấn đề đáng quan tâm nhất đối với người sử dụng máy tính. Duy trì tư thế ngồi lâu sẽ gây ra các vấn đề về cơ và xương, bao gồm căng cơ xương bả vai, duỗi đốt sống cổ và đốt sống lưng quá mức, co cơ ngực, căng cơ gấp cẳng tay, trong đó bộ phận đau mỏi nhất là cổ và vai.

Vấn đề tia bức xạ

Theo các nghiên cứu hiện nay cho thấy, trong các trường hợp thao tác thông thường, mức độ tiếp xúc với các loại bức xạ của ngưởi sử dụng máy tính thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép theo quy định, không đủ để gây nguy hại rõ rệt cho cơ thể. Cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ phụ nữ sử dụng máy tính sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay gây xảy thai, thai nhi dị dạng.

Cách khắc phục

Khi ngồi vào bàn, đùi phải để bằng phẳng, không được để kẹt dưới gậm bàn; các vật dụng thường dùng trên bàn nên đặt ở vị trí có thể dễ dàng với tay tới được, mà không cần khom lưng.

Màn hình phải đặt thẳng trước mặt, khoảng cách với mắt ít nhất bằng độ dài một cánh tay duỗi (40cm), nếu cự ly này mà vẫn nhìn không rõ, chứng tỏ phải điều chỉnh lại số mắt kính của bạn. Độ cao của màn hình phải thấp hơn tầm mắt bạn khi nhìn ngang, thậm chí góc nhìn có thể xuống dưới 40 độ. Cần chú ý nguồn sáng, có thể đặt một chiếc gương nhỏ phía trước màn hình để kiểm tra liệu có thể nhìn thấy vật thể sáng hoặc nguồn sáng từ trong gương, điều chỉnh màn hình để nhìn thấy ít ánh sáng nhất, để giảm nhiễu.

Vị trí của bàn phím cũng phải ở thẳng trước mặt, độ cao tốt nhất là khi bạn để tay lên bàn phím, cánh tay có thể đặt xuống nhẹ nhàng, sát vào hai bên cơ thể, khuỷu tay gập khoảng 90 độ.

Chuột đặt cao ngang với bàn phím, không nên để quá cao, cố gắng để con chuột ở vị trí gần đường giữa của cơ thể, nhất là những người làm công việc đồ hoạ máy tính thường xuyên phải sử dụng chuột.

Đứng bất cứ khi nào có thể bằng cách hãy tận dụng mọi cơ hội đứng lên đi lại, điều đó làm cho nhịp tim của bạn nhanh hơn.  Nên đứng khi gọi điện thoại, trao đổi với đồng nghiệp, hoặc đơn giản là để lấy một cốc nước. Đứng dậy đi lại mỗi giờ 1 lần là cách tốt để thư giãn cơ thể. Đứng dậy nghỉ ngơi sau mỗi giờ làm việc và nếu bạn duy trì hoạt động thường xuyên, bạn sẽ ngăn cho nhịp tim của bạn không bị giảm, cũng như toàn bộ cơ thể không bị trì trệ.


BS Thanh Trà
Ý kiến của bạn