BS. Trần Văn Chính
Dân số là một thực thể luôn biến động và rất nhạy cảm trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan. Ổn định quy mô dân số (QMDS) là một quá trình lâu dài và bền bỉ, trong đó phải từng bước kìm hãm và kiểm soát được mức tăng dân số mà công việc có tính chất quyết định là giảm mức sinh tiến tới đạt và ổn định mức sinh thay thế (MSTT).
![]() Ảnh: corbis. |
Những cơn số “biết nói”
So sánh kết quả Tổng điều tra dân số năm 1999 với các mốc thời gian cho thấy, tốc độ tăng dân số ở nước ta từng bước được kiềm chế và đã đạt MSTT năm 2002, qua các giai đoạn như sau: Giai đoạn 1960-1992, tỷ lệ sinh giảm từ 43,9‰ xuống 30.04‰(giảm 13,86‰), trung bình mỗi năm giảm 0,43‰; giai đoạn 1993-2004, tỷ lệ sinh giảm 28,5‰ xuống 18,70‰, mỗi năm giảm 1‰. Tương ứng với nó, số con trung bình của một bà mẹ cũng giảm dần: Năm 1960 là 6,39 con; năm 1989 là 3,80 con; năm 1995 là 3,10 con; năm 1999 là 2,30 con; năm 2002 là 2,28 con; năm 2003 là 2,10 con nhưng năm 2004 lại tăng lên 2,23 con. Với diễn tiến ấy, mức tăng dân số ở nước ta trong các giai đoạn, như sau: 1979-1989 là 2,2%; 1989 - 1999 là 1,7 % và năm 2002 đã giảm xuống còn 1,32% nhưng đến năm 2003 lại tăng lên 1,47% và năm 2004 là 1,43 %. Từ những con số “biết nói” trên cho thấy: mức sinh, mức tăng dân số và số con trung bình của một bà mẹ ở nước ta đã hạ nhanh trong một thời gian dài nhưng không ổn định và khi đạt được MSTT thì nó lại tăng trở lại. Điều đó khẳng định nước ta đang ở thời kỳ quá độ dân số, đang ở thời điểm dao động mạnh, chưa đạt tới sự ổn định.
Về QMDS, chúng ta thấy: năm 1921 dân số nước ta là 15,58 triệu người; năm 1961 là 30,17 triệu người; năm 1986 là 60,47 triệu người; năm 1999 là 76,3 triệu người và, năm 2004 là 82,069 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới và đứng thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippin). Với diện tích nước ta là 329.560 Km2 nên mật độ dân số rất cao. Cụ thể, qua các mốc thời gian như sau: năm 1921 mật độ dân số là 47 người/km2, năm 1986 là 183người/km2 và hiện nay là 243 người/km2. Theo dự báo, khi đạt được QMDS ổn định thì mật độ dân số nước ta khoảng trên 350 người/km2 (tăng gấp 8 lần). Còn ở thời điểm hiện nay, mật độ dân số Việt Nam đã cao gấp 6 lần mật độ dân số trung bình của thế giới với 40 người/km2 và gấp 2 lần Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới với 126 người/km2.
Theo các chuyên gia nhân khẩu học có thể ước tính QMDS ổn định của một quốc gia bằng 1,3 lần QMDS tại thời điểm đạt MSTT. Vì do tỷ lệ sinh cao của các năm trước, dẫn đến một cách tự nhiên các cặp vợ chồng bước vào tuổi sinh đẻ nhiều hơn các cặp vợ chồng bước ra khỏi tuổi sinh đẻ trong cùng một thời điểm. Như vậy, chỉ khi nào đạt tới cùng một thời điểm số cặp vợ chồng bước vào tuổi sinh đẻ tương đương với số cặp vợ chồng bước ra khỏi tuổi sinh đẻ và duy trì ổn định MSTT thì QMDS mới ổn định bền vững. Nếu đạt được MSTT, ổn định QMDS thì thời gian tăng gấp đôi dân số sẽ kéo dài ra, đó là mục tiêu mà các nước đi trước nhắm đạt tới. Hàn Quốc đã tăng thời gian dân số gấp đôi từ 45 năm lên 140 năm; Thái Lan từ 39 năm lên 87,5 năm. Ở nước ta, năm 2004 dân số là 82,069 triệu người và tỷ lệ phát triển dân số là 1,38% có thể dự báo, thời gian tăng gấp đôi dân số của nước ta là 50 năm, nghĩa là vào năm 2054 dân số nước ta khoảng 164 triệu người.
Cần có biện pháp ổn định QMDS
Từ những dữ liệu trên khẳng định, dân số là một thực thể luôn biến động ngoài ý muốn của con người, nó chịu sự chi phối của các nhân tố chủ quan và khách quan trong quá trình vận động và biến đổi của nó. Vì ngoài quy luật phát triển chung của mọi sự vật, dân số còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Nhà nươc, trình độ dân trí, tập tục, thói quen của mỗi dân tộc, khu vực dân cư… Về chủ quan, có rất nhiều yếu tố cần được nhận diện, khắc phục để chủ động tác động tích cực, đẩy nhanh quá trình tiến tới ổn định QMDS ở nước ta.
Điều quan trọng trước hết là, phải nhận rõ những yếu kém và nguyên nhân của những yếu kém đó để khắc phục, không được chủ quan, tự mãn với thành tích đạt được. Cần đầu tư nhân lực và tài chính một cách thỏa đáng cho công tác dân số, nhất là đội ngũ trực tiếp làm công tác Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cần ổn định, có trình độ, nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục cao; nhiệt tình, tâm huyết với mục tiêu này và cần có chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng cho họ. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về sức khỏe sinh sản (SKSS) ở mọi lứa tuổi, nhất là những đối tượng trong độ tuổi sinh sản, những cặp vợ chồng đã có 2 con trở lên, trong đó cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho nam giới. Vận động, thuyết phục các cặp vợ chồng chấp nhận một biện pháp tránh thai có hiệu quả và thích hợp với họ bằng sự hiểu biết và tự nguyện lựa chọn của chính họ. Đồng thời giáo dục khắc phục tư tưởng trọng nam, có nếp có tẻ để các cặp vợ chồng không cố bằng mọi giá có được đứa con họ mong muốn dù họ đã có 2, 3 con. Vì thế, nên xem lại việc “cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” như điểm 2, điều 7 của Pháp lệnh dân số đã ghi. Nên chăng, chỉ cấm tư tưởng, việc làm dẫn tới việc loại bỏ thai nhi vì mục đích lựa chọn giới tính. Nếu các cặp vợ chồng được tư vấn một cách khoa học và nhân văn để có đủ 2 con, 1 trai, 1 gái (nếu có yêu cầu) sẽ thỏa mãn một cách tự nhiên mong muốn có nếp có tẻ của họ; điều đó đã cắt đi một thực tế, nhiều người đã cố sinh thêm bằng được đứa con mong đợi mà làm tăng mức sinh, làm tăng dân số, đồng thời cũng sẽ giúp cân bằng giới tính tự nhiên và bản thân nó đã rất gần với MSTT. Cần đa dạng hóa các phương tiện tránh thai và các dịch vụ chăm sóc SKSS để người dân dễ dàng lựa chọn. Việc giáo dục giới tính và SKSS cho lứa tuổi vị thành niên và thanh niên trẻ là rất bức thiết để bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai và phòng tránh các bệnh tật, kể cả phòng tránh căn bệnh thế kỷ, phòng ngừa vô sinh đang ngày càng gia tăng.