Để những "chiến sĩ áo trắng" an toàn nơi tuyến đầu chống dịch

19-08-2021 22:02 | Y tế

SKĐS - Hơn 10.000 cán bộ, y, bác sĩ tại các bệnh viện Trung ương đã lên đường vào miền Nam, làm nhiệm vụ truy vết, điều trị các ca bệnh nặng tại các trung tâm hồi sức tích cực tại tâm dịch.

Các y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh

Hiện nay, TP.HCM và các tỉnh, thành phố ở miền Nam đang trải qua những thời khắc khó khăn để phòng, chống dịch COVID-19.

Trong cuộc chiến cam go này, các y, bác sĩ luôn là lực lượng ở tuyến đầu, áp lực, căng thẳng và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực nhưng các "chiến sĩ áo trắng" vẫn nỗ lực hết mình để giành giật sự sống, bảo vệ bình an cho người dân.

Chương trình tọa đàm “Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu” do Tạp chí Lao động và Công đoàn, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức diễn ra ngày 19/8/2021 xoay quanh nội dung làm thế nào để bảo vệ các bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường.

"... Chúng tôi lên đường với trái tim và đạo đức của người thầy thuốc"

Những ngày qua, hơn 10.000 cán bộ, y, bác sĩ tại các bệnh viện Trung ương hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế đã đường vào miền Nam, làm nhiệm vụ truy vết, điều trị các ca bệnh nặng ở các trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh miền Nam.

Trong cuộc chiến chống COVID-19 khốc liệt này, những hy sinh, mất mát, nỗi vất vả, nỗi đau của các y, bác sĩ thật khó diễn tả thành lời.

Đoàn cán bộ y tế Thái Nguyên lên đường vào phía Nam thực hiện nhiệm vụ

Đoàn cán bộ y tế Thái Nguyên lên đường vào phía Nam thực hiện nhiệm vụ

Tại cuộc tọa đàm ThS BS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: "Chưa bao giờ cả nước phải đối mặt với đợt dịch khốc liệt như hiện nay với hơn 300.000 ca nhiễm.

Trong 1 ngày xấp xỉ 9.000 ca nhiễm mới, tập trung chủ yếu ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang... Những ngày qua thực sự là gánh nặng rất lớn đối với ngành y tế.

Các bệnh viện, trường ĐH tập trung rất nhiều lực lượng, các sinh viên tình nguyện... để sẵn sàng xung phong chống dịch thời điểm này. Các y, bác sĩ, các sinh viên ngành y tế rất vất vả trong 3 tháng nay, từ quản lý chỉ đạo, chăm sóc các bệnh nhân, trực tiếp xét nghiệm, truy vết, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có các sinh viên, nhiều ca làm việc lên đến 12h đồng hồ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, không có điều hòa... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Các y, bác sĩ ở tâm dịch cũng phải làm việc với áp lực và cường độ rất lớn".

Áp lực đè nặng lên y bác sĩ và đặc biệt khi có đồng nghiệp hi sinh, trang thiết bị bảo hộ thiếu, ăn uống sinh hoạt cũng gặp khó khăn, hầu hết là bác sĩ chi viện từ miền Bắc nên chưa hợp với thực phẩm trong Nam.

Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới được cử vào tăng cường khu vực miền Tây, phụ trách 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long chia sẻ tại cuộc tọa đàm: "Các nhân viên y tế tăng cường từ tỉnh khác, ngoài Bắc vào như chúng tôi gặp khó khăn thay đổi về thói quen sinh hoạt, thời tiết. Khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt bác sĩ hồi sức cấp cứu.

Nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường. Với các bệnh nhân rất nặng thì các bác sĩ khác không thể thay thế bác sĩ hồi sức cấp cứu.

Chúng tôi cố gắng sắp xếp chỗ ở tiện nghi hơn nhưng các y, bác sĩ từ chối, xin ở trong bệnh viện để có thể ngay lập tức cứu bệnh nhân, đó là sự hy sinh rất lớn của họ".

Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K vào chi viện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh gần 1 tháng nay, chia sẻ trong cuộc tọa đàm cho biết: "Trong bệnh viện không có bệnh nhân nào được hít khí trời cả, mục tiêu là làm sao để bệnh nhân có thể được thở khí trời.

Bác sĩ chuyên môn không có nhiều, chúng tôi choáng ngợp bởi số lượng bệnh nhân nặng lớn, bệnh nhân tử vong cao.

Chưa bao giờ các bác sĩ gặp áp lực lớn như vậy, áp lực về mặt tâm lý, 3 ca 4 kíp, mỗi ca 8 tiếng, ca đêm 10 tiếng, phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ liên tục, rà soát từng khâu, quần áo bảo hộ cấp 4, hướng dẫn từng bước một để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cán bộ y tế. Bệnh nhân hoàn toàn có thể ho thẳng vào mặt trong quá trình khám chữa bệnh.

Chúng tôi giữ khoảng cách với nhau cả khi họp, ăn, sinh hoạt. Công việc liên tục, nghỉ giữa giờ cũng chỉ ra sảnh để thở, ăn uống qua loa, hết ca trực thực sự mệt mỏi. Nhiều lúc phải ăn thức ăn nguội, anh em mong có lò vi sóng để cải thiện bữa ăn.

Bên cạnh áp lực công việc, nhiều cán bộ y tế đã dương tính với COVID-19. Khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều, đè nặng lên vai những người còn lại. Không chỉ nghe theo lời kêu gọi, chúng tôi lên đường với trái tim và đạo đức của người thầy thuốc".

Cần có chính sách hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch

Chia sẻ về quy trình khám chữa bệnh để đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ, Ths. Bs Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: "Nhiều y bác sĩ, sinh viên chi viện lần đầu tiên tiếp cận với F0 và đồ bảo hộ nên chưa có kinh nghiệm.

Trong các hướng dẫn của Bộ Y tế có yêu cầu nhân viên y tế, đội ngũ tình nguyện phải được đào tạo về bảo hộ cá nhân.

Để những "chiến sĩ áo trắng" an toàn nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 4.

Các y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh Ảnh Hải An

Các cán bộ y tế chi viện phải được trang bị các phương tiện bảo hộ cá nhân, đặc biệt là khẩu trang. Các nhân viên y tế chủ động tham gia các lực lượng tình nguyện phải có sự chuẩn bị ban đầu.

Ngay khi các bệnh viện dã chiến được thiết lập phải tính toán đến việc đảm bảo khử khuẩn, phân luồng cách ly, độ lưu thông không khí, phân khu làm việc, thực hiện quy trình 1 chiều, giảm thiểu lây nhiễm cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, tại TP HCM với số lượng ca nhiễm rất lớn, thành phố đã phải sử dụng chung cư để thu dung bệnh nhân nên chưa hoàn toàn đảm bảo được việc phân khu, cách ly đúng quy trình.

Số lượng cán bộ nhân y tế cũng rất thiếu, nếu có đủ lực lượng, giảm thời gian tiếp cận F0 sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm, nhân viên y tế mệt mỏi làm việc lâu cũng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm. Chúng tôi rất mong muốn được tăng cường hỗ trợ số lượng nhân viên y tế.

Vấn đề hậu cần, quản lý và chăm sóc nhân viên y tế trong nơi điều trị, sinh hoạt là một điều cần lưu ý. Có những trường hợp trong quá trình làm việc có sử dụng đồ bảo hộ tuy nhiên chưa cẩn thận, khả năng lây rất cao. Báo cáo của Sở Y tế TP HCM, gần 900 trường hợp bị lây nhiễm trong quá trình làm việc, một số nhóm lây nhiễm từ gia đình, không tránh khỏi rủi ro.

Chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cũng rất quan trọng. Chiến lược ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng tuyến đầu đã phát huy hiệu quả. Người tiêm 2 liều vẫn có thể nhiễm nhưng nguy cơ chuyến biến nặng và tử vong thấp. 

Cần có chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho người nhà, người thân nhân viên y tế giúp họ yên tâm công tác".

Cùng chung tay chăm sóc cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: "Trong công tác phòng, chống COVID-19, Tổng LĐLĐ Việt Nam có sự quan tâm đặc biệt tới các y, bác sĩ, nhân viên y tế vì họ là lực lượng tuyến đầu, đối mặt với nhiều hiểm nguy.

Về chính sách hỗ trợ, chúng tôi đã hỗ trợ thêm các bữa ăn cho y bác sĩ, dự kiến 20 ngày, mức 1triệu/người. Đồng thời đồng ý để Công đoàn Y tế hỗ trợ thêm các y bác sĩ tuyến đầu mỗi người 2 triệu. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tới thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu

Công đoàn đang góp sức rất lớn trong việc bảo vệ đoàn viên y tế, những người đang ngày đêm giành giật sự sống cho nhân dân".

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng: "Chúng ta có thể có chiến lược lâu dài để bảo vệ cho nhân viên y tế. Thứ nhất, chúng ta phải có chính sách để bảo toàn cho nhân viên y tế qua thực tiễn chống dịch ở TP HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam. Thứ hai, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta phải đào tạo nhiều chuyên khoa, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu. Y tế dự phòng và hồi sức cấp cứu cần được đẩy mạnh và phát triển.

Để những "chiến sĩ áo trắng" an toàn nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 6.

Các trang thiết bị bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế cần phải được kiểm soát và trang bị đầy đủ

Cần phải bảo toàn cho lực lượng y tế chuyên sâu để tiến hành chữa trị cho những người mắc bệnh nền nặng. Cần ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình để những bệnh nhân F0 thể nhẹ có thể chăm sóc nhau, chia sẻ, tư vấn tâm lý, không gây nhiễu loạn cho nhân viên y tế để lực lượng này tập trung chữa trị cho những bệnh nhân nặng hơn..".

PGS. TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam bày tỏ sự xúc động khi được lắng nghe những chia sẻ và câu chuyện từ nơi tuyến đầu chống dịch cũng như những giải pháp được thảo luận tại cuộc tọa đàm.

PGS. TS Phạm Thanh Bình cho biết thêm: "Các trang thiết bị bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế cần phải được kiểm soát và trang bị đầy đủ. Quy trình chăm sóc bệnh nhân cũng cần đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, giảm bớt khối lượng công việc. F0 chăm sóc F0 là một ý kiến, đề xuất hay và thiết thực trong thời điểm hiện nay.

Trong tương lai sắp tới, việc đào tạo chuyên ngành hồi sức cấp cứu và y tế dự phòng cần được quan tâm và đầu tư hơn nữa.

Điều quan trọng nhất lúc này là chăm sóc tinh thần của lực lượng cán bộ y tế. Chúng tôi gửi lời đến cán bộ y tế rằng công đoàn sẽ luôn là hậu phương vững chắc, đồng hành cùng các y bác sĩ nơi tuyến đầu.

Trung tâm hồi sức Cấp cứu COVID-19 “Nối yêu thương” nơi cận kề cửa tử

Nguyễn Khanh
Ý kiến của bạn