Hà Nội

Dễ nhầm lẫn giữa lo âu bệnh lý và lo âu bình thường

07-04-2021 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Thỉnh thoảng bạn lo âu trước những vấn đề của cuộc sống liên quan đến công việc, học tập, bệnh tật, không sao cả! Nhưng nếu bạn lo lắng cực độ, kéo dài, khó khăn trong việc kiểm soát gây ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt thường ngày, đừng chủ quan, đó có thể là bệnh lý.

Lo lắng là một phần của cuộc sống, nhưng rối loạn lo âu thì cần phải điều trị ngay

Con người - dù là ai đi chăng nữa - cũng không tránh khỏi chuyện lo âu. Đó là hiện tượng cảm xúc tất yếu trước những khó khăn, thử thách của tự nhiên, xã hội. Chẳng hạn như bạn có thể lo lắng khi đối mặt với một vấn đề trong công việc, trước khi làm bài kiểm tra hoặc trước khi đưa ra một quyết định quan trọng…

Thỉnh thoảng lo âu, không sao cả, vì trên thực tế đây là một phản ứng có lợi trong nhiều tình huống, giúp bạn cảm nhận được sự nguy hiểm cận kề. Nhưng rối lo âu bệnh lý, hay nói cách khác rối loạn lo âu lại là chuyện khác.

image001

Sự sợ hãi, lo lắng ở người mắc bệnh rối loạn lo âu thường có tính chất vô lý, nhưng lại kéo dài liên tục và lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày và sức khỏe của người bệnh (Ảnh minh họa)

ThS.BS.CK2 Vũ Ngọc Úy - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp kiêm Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: “Khác với lo âu thông thường là phản ứng tự nhiên, diễn biến nhất thời khi có các sự kiện trong đời sống tác động đến tâm lý của chủ thể, hết tác động thì cảm giác này cũng không còn, lo âu bệnh lý nếu vượt ngưỡng sẽ không dễ để tự đối phó”.

Nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để nhận diện đúng tình trạng lo âu bệnh lý hay đó chỉ là lo lắng thông thường trước những rào cản của cuộc sống. Theo BS Ngọc Úy, để phân biệt giữa lo âu bình thường và lo âu bệnh lý chính là mức độ khó khăn trong việc kiểm soát loại bỏ lo âu.

Ở người bình thường việc kiểm soát lo âu khá dễ dàng, đôi khi chỉ cần nghỉ ngơi thư giãn hợp lý là sẽ hết. Ngược lại, người bị lo âu bệnh lý họ không kiểm soát được lo âu, mất khả năng thư giãn. Hơn nữa, lo âu bệnh lý thường không phù hợp với hoàn cảnh, không có chủ đề rõ ràng, mang tính chất vô lý, mơ hồ, thời gian thường kéo dài.

“Khi đó, mức độ lo âu gây trở ngại rõ rệt đến các hoạt động của bệnh nhân. Vì thế, nếu tình trạng  lo âu lặp đi lặp lại với nhiều triệu chứng cơ thể như mạch nhanh, chóng mặt, khô miệng, vã mồ hôi, lạnh chân tay, run rẩy, bất an... nên đi khám với bác sĩ để được chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp” - BS Ngọc Úy khuyến cáo.

image003

Stress, làm việc quá sức… có thể dẫn đến rối loạn lo âu (Ảnh minh họa)

Ngày nay, lo âu bệnh lý ngày càng phổ biến, nhất là ở giới trẻ. Ngoài yếu tố di truyền, tình trạng này còn liên quan đến căng thẳng, stress, áp lực trong cuộc sống. Nhất là những người có tính cách hướng nội, hay nhút nhát, e thẹn, quá cận thận, cầu toàn thường dễ mắc rối loạn lo âu. Mặt khác, người sống trong môi trường không thuận lợi như gặp nhiều sang chấn tâm lý trong công việc, học tập và gia đình cũng có nguy cơ mắc nhóm bệnh lý này.

Ngoài ra, những người trong giai đoạn sức khỏe thể chất bị suy yếu như: nhiễm khuẩn, nhiễm độc, thiểu dưỡng lâu ngày, làm việc quá sức, thiếu ngủ, bệnh cơ thể nặng, có thai, sinh đẻ… cũng dễ mắc lo âu hơn khi khỏe mạnh.

Rối loạn lo âu kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, tự sát

Điều đáng lưu ý là, ngay cả lo âu bình thường cũng có thể tiến triển thành lo âu bệnh lý, điều này còn phụ thuộc vào từng cá thể, phụ thuộc vào cách mỗi người đối phó với stress và khả năng kiểm soát lo âu của họ.

Tuy nhiên, ở nước ta thực tế nhiều người vẫn chưa chấp nhận rằng mình mắc bệnh và thường có xu hướng né tránh. Hơn nữa, vì lo âu bệnh lý thường kèm theo các triệu chứng cơ thể bao gồm bồn chồn, tăng huyết áp, mạch nhanh, đau bỏng vùng trước ngực, các cảm giác khó chịu dạ dày ruột, khó thở… khiến người bệnh đi khám tim mạch, thần kinh, tiêu hóa… thay vì chuyên khoa tâm thần.

Vì thế, nếu bạn đang phải “đối phó” với cảm giác lo âu cùng cực với những biểu hiện cơ thể trên, đừng ngại ngần tìm đến sự giúp đỡ. Điều đầu tiên cần biết rằng, bạn không phải là người duy nhất bị rối loạn lo âu. Có khoảng 40 triệu người ở Mỹ và 3 - 4% dân số toàn thế giới (khoảng 250 triệu người) mắc rối loạn này. Hơn nữa, rối loạn lo âu hoàn toàn có thể chữa được. Trên thực tế, nó là một trong những chứng rối loạn tâm lý hay cảm xúc dễ chữa khỏi nhất.

image005

Nếu không được tư vấn hỗ trợ kịp thời, rối loạn lo âu dẫn đến lo lắng, tồi tệ hơn nữa là trầm cảm. lạm dụng thuốc, tự sát (Ảnh minh họa)

Nhưng nếu chần chừ, tác động của căn bệnh này có thể khiến bạn gặp nguy hiểm. BS Vũ Ngọc Úy cho biết: “Người bị rối loạn lo âu thường có nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện (rượu, ma túy), các loại thuốc (thuốc ngủ, giảm đau…). Họ thường bị suy giảm các chức nằng xã hội, nghề nghiệp và nhiều chức năng quan trọng khác.

Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nguy hiểm hơn nữa, lo âu là sự đáp ứng cảm xúc không dễ chịu, tình trạng này có thể kèm theo sợ hãi, khi kéo dài có thể xảy ra đồng thời với một số bệnh khác như trầm cảm thứ phát. Hiện nay, lo âu và trầm cảm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tự sát”.

Rối loạn lo âu: Hãy chặn khi bệnh mới chớm nở

Lời khuyên hữu ích nhất cho những người đang có dấu hiệu lo âu đó là hãy đi khám, điều trị sớm khi mới chớm mắc bệnh. Hiện nay, y học hiện đại đã có nhiều loại thuốc để điều trị tình trạng này.

Theo BS Vũ Ngọc Úy, có 3 nhóm thuốc chính để điều trị lo âu.

- Thuốc chống trầm cảm, thường dùng các loại thuốc chống trầm cảm mới (không điển hình) như nhóm SSRI (Sertraline, Paroxetine…) Đây là loại thuốc dùng phổ biến, an toàn, hiệu quả cao đối với các loại rối loạn lo âu khác nhau.

- Thuốc giải lo âu, thường sử dụng nhóm thuốc Benzodiazepine như: Bromazepam, Lorazepam, Diazepam… các thuốc này cắt cơn lo âu nhanh nhưng dễ gây nghiện thường dùng thời gian ngắn không quá 30 ngày.

- Thuốc an thần kinh, thường dùng nhất là Quetiapine (Seroquel) liều trung bình từ 50-150mg/ngày. Các thuốc an thần kinh khác ít sử dụng.

image007

Trò chuyện với bác sĩ trị liệu giúp người bị rối loạn lo âu có nhận thức đúng hơn về suy nghĩ và cảm xúc của mình. Đồng thời được kê các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần kinh hay thuốc giải lo âu như Bromazepam, Lorazepam, Diazepam, Tofisopam … (Ảnh minh họa)

Song song với biện pháp dùng thuốc, các liệu pháp tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh thoát khỏi rối loạn lo âu. Trong đó, các liệu pháp thường được áp dụng là liệu pháp nhận thức, liệu pháp hành vi và liệu pháp thư giãn luyện tập. Ngoài ra, các hình thức luyện tập thể dục, thể thao, tập thiền, yoga đều có tác dụng tốt trên các rối loạn lo âu.

Ngoài việc dùng thuốc và điều trị về tâm lý, những người mắc rối loạn lo âu sẽ nhanh khỏi bệnh hơn nếu họ được người thân giúp đỡ, an ủi, động viên, khích lệ. Khi người bệnh tâm sự với bạn về nỗi lo lắng nào đó, bạn đừng vội phủ nhận. Hãy tìm cách giải thích thật cụ thể và dễ hiểu với tất cả sự cảm thông, người bệnh sẽ bớt lo lắng hơn.

Xem thêm >>> Cách chống lo âu, điều hòa thần kinh thực vật & không gây lệ thuộc thuốc hiệu quả


Ý kiến của bạn