Để ngủ không mộng mị

19-07-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Muốn sống khỏe con người cần ngủ không mộng mị, tức có giấc ngủ đủ, sâu vì đó là cách phục hồi sinh lực tốt nhất. Ngủ không đủ và sâu dễ bị mộng mị và cơ thể không khỏe dễ bị ác mộng.

Trang Tử từ hơn ngàn năm trước, trong Nam Hoa kinh, đã đưa ra lời bàn giúp thân tâm an lạc: “Kỳ tẩm bất mộng, kỳ giác vô ưu, kỳ thực bất cam, kỳ tức cam cam”. Nói nôm na, lời bàn ấy có nghĩa: “Ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu”.

Riêng “ngủ không mộng mị” cho đến nay vẫn là một tiêu chí cho biết con người có sống khỏe hay không. Rõ ràng là muốn sống khỏe con người cần ngủ không mộng mị, tức có giấc ngủ đủ, sâu vì đó là cách phục hồi sinh lực tốt nhất. Ngủ không đủ và sâu dễ bị mộng mị và cơ thể không khỏe dễ bị ác mộng.

Như trên đã nói, một lý do và là lý do chủ yếu đưa đến rối loạn giấc ngủ nói chung là sức khỏe tinh thần của con người bị xâm phạm, con người thường xuyên bị rối loạn tâm lý. Người cứ luôn tức giận, buồn rầu, ganh tị, lo lắng quá mức về đời sống, thế nào cũng có lúc bị rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là bị mất ngủ. Vì vậy, không chỉ có thuốc (thường gây tác dụng phụ có hại) mà chính những hoạt động thư giãn thể chất và buông xả tinh thần, những biện pháp “dưỡng sinh” trong mọi động tác sống của con người mới giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả các rối loạn giấc ngủ.

Để hóa giải các “bất thiện pháp” gây lo lắng bận rộn, ham muốn tranh đoạt, hờn giận thù oán hay mặc cảm dồn nén lâu ngày tạo thành một nội tâm ô nhiễm bất an một cách hữu hiệu, thế giới hiện nay quan tâm ngày càng nhiều đến phương thức kỳ diệu đã được các nhà tu học phương Đông thực hành từ ngàn xưa, đó là Thiền. Không chỉ hóa giải các “bất thiện pháp” mà người hốt nhiên ngộ Thiền nhờ “hành thâm bát nhã ba la mật” (Tâm kinh) sẽ đạt được an nhiên tự tại, thậm chí “thõng tay đi vào chợ” và tiếp nhận cái thâm diệu bất khả tri trong cuộc sống hằng ngày.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

 

 


Ý kiến của bạn