Nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm, các đối tượng đã hình thành đường dây làm giả hồ sơ thanh quyết toán chế độ thai sản chiếm đoạt gần 900 triệu đồng. Liên quan đến vụ án này, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an tỉnh Hải Dương vừa hoàn tất vụ án, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đề nghị truy tố 14 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Câu kết tinh vi để thực hiện hành vi lừa đảo
Cơ quan công an xác định kẻ chủ mưu thực hiện vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản này là Nguyễn Thị Phương (33 tuổi, trú tại phường Quang Trung, TP. Hải Dương) đã câu kết với 13 đối tượng còn lại trong ổ nhóm, lập khống 36 hồ sơ, làm giả 44 hồ sơ thanh, quyết toán chế độ thai sản sinh con, chiếm đoạt của Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Thanh Hà, Hải Dương gần 900 triệu đồng và gây thiệt hại cho Công ty TNHH may mặc Makalot Việt Nam hơn 200 triệu đồng. Vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Phương đang là nhân viên Công ty TNHH may mặc Makalot Việt Nam, có nhiệm vụ theo dõi báo cáo tăng, giảm người lao động tham gia BHXH và đề nghị thanh, quyết toán chế độ BHXH của người lao động trong công ty. Trong quá trình làm nhiệm vụ, Phương phát hiện những sơ hở trong công tác quản lý tham gia đóng BHXH và thanh quyết toán chế độ BHXH thai sản, sinh con của Công ty TNHH Makalot Việt Nam và BHXH huyện Thanh Hà nên đã nảy ý định chiếm đoạt tài sản.
Nhiều đối tượng đã câu kết tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tiền bảo hiểm.
Phương đã bàn với Nguyễn Thị Hoa (31 tuổi, Kế toán trưởng); Lê Thị Láng (36 tuổi, làm việc tại bộ phận nhân sự, phụ trách báo cáo tăng giảm công nhân lao động và làm sổ BHXH); Giang Thị Thanh Hương (39 tuổi, Chủ tịch Công đoàn, phụ trách nhân sự, báo cáo tăng, giảm lao động, làm công tác tại BHXH Nhà máy MK1, trực thuộc Công ty Makalot Việt Nam) và Nguyễn Thị Hương, công nhân Công ty Makalot Việt Nam cùng thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng đã cùng nhau tìm hồ sơ của lao động là nữ, trong độ tuổi sinh đẻ, đang mang thai, là lao động tự do, không tham gia BHXH ở đâu, lấy giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân của họ, với mục đích lấy thông tin tên, tuổi, địa chỉ, nơi ở để lập khống hợp đồng lao động, tờ khai tham gia đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Sau đó, Phương lập danh sách người lao động để trình lãnh đạo Công ty Makalot Việt Nam ký cho họ tham gia BHXH.
Sau khi Công ty TNHH Makalot Việt Nam bỏ tiền đóng BHXH cho những người lao động (từ 6 tháng trở lên) thì sẽ lấy giấy khai sinh con của họ để làm giả giấy khai sinh, sau đó đi chứng thực, sử dụng làm hồ sơ thanh, quyết toán chế độ thai sản. Theo thỏa thuận giữa các đối tượng, ai tìm được hồ sơ của người lao động sẽ được trả cho 3 triệu đồng/hồ sơ. Với tổng cộng 36 hồ sơ, Phương đã cùng Láng, Hương thực hiện giả chữ ký người lao động, lập khống hợp đồng lao động, tờ khai tham gia BHXH, BHYT, danh sách người lao động tham gia đóng BHXH, BHYT chuyển cho lãnh đạo công ty ký duyệt và đã được BHXH huyện Thanh Hà cấp 36 sổ BHXH, thẻ BHYT cho 36 người không tham gia làm việc trong Công ty Makalot Việt Nam. Để hợp thức hóa, Hoa đã thực hiện mở tài khoản thẻ cá nhân ATM khống cho số lao động trên. Còn Hương có nhiệm vụ lập khống hồ sơ liên quan đến số người lao động có danh sách đóng BHXH đến nhà máy MK1.
Cán bộ xã tắc trách
Theo lời khai của Phương thì khi số người lao động này có đủ thời gian tham gia đóng BHXH được 6 tháng, Phương yêu cầu Hoa, Láng, Hương và Thơ lấy giấy khai sinh của con 36 sản phụ, đưa cho Phương. Sau đó, Phương lên internet, tải mẫu giấy khai sinh, rồi điền, chỉnh sửa tên, tuổi, con của người lao động vào các giấy mẫu khai sinh này. Sau đó làm giả thành một bản giấy khai sinh hoàn chỉnh, có đầy đủ chữ ký, con dấu. Giúp sức đắc lực cho Phương trong việc thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên còn có Trần Thị Hằng, bảo vệ Công ty TNHH Makalot Việt Nam. Phương đã trả cho Hằng 500 nghìn đồng/tờ giấy khai sinh được công chứng. Khi Phòng PC46 Công an tỉnh Hải Dương triệu tập, Hằng khai nhận: Thông qua Lưu Đức Giang (55 tuổi, Đội phó Đội bảo vệ) Hằng đã nhờ chứng thực số giấy khai sinh trên.
Liên quan đến hành vi làm giả giấy khai sinh, cơ quan công an cũng đã làm rõ trách nhiệm khi thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của 2 cán bộ tư pháp xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, Hải Dương là: Phạm Hữu Đỗ, Phó Chủ tịch UBND xã và Phạm Hữu Toán, cán bộ tư pháp xã Phượng Hoàng. Cụ thể, do quen biết Giang từ trước nên khi được đối tượng này nhờ công chứng, chứng thực cho các bản giấy khai sinh, Đỗ và Toán đã không đối chiếu bản photo chính, không lưu trữ, không vào sổ số ngày, tháng, năm chứng thực, không thu lệ phí chứng thực nên đã giúp các đối tượng chứng thực 32 giấy khai sinh khống trên.
Quá trình đấu tranh, Phòng PC46 Công an tỉnh Hải Dương đã có căn cứ khởi tố 14 đối tượng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngoài đối tượng chính là người của Công ty TNHH Makalot Việt Nam, cơ quan điều tra còn làm rõ vai trò của các đồng phạm cũng như số tiền họ đã chiếm hưởng. Qua đó kiến nghị khắc phục những sơ hở trong việc thanh quyết toán chế độ BHXH cũng như công tác chứng thực hồ sơ trên địa bàn.