Kết luận của Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang nêu rõ, các bị can Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang); Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang); Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang); Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) và Lê Thị Dung (Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang) đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa đáp án để nâng điểm cho 107 thí sinh.
Tống đạt quyết định khởi tố bà Triệu Thị Chính - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Ảnh: Công an tỉnh Hà Giang.
Cụ thể, bị can Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự. Bị can Triệu Thị Chính phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự. 2 bị can Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung phạm tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” được quy định tại Điều 366 Bộ luật Hình sự.
Trong số 5 bị can, đáng chú ý nhất là bị can Triệu Thị Chính, khi bị khởi tố là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban Chấm thi, mặc dù không trực tiếp thực hiện hành vi nâng điểm cho thí sinh, nhưng bị can Triệu Thị Chính đã đưa cho bị can Nguyễn Thanh Hoài danh sách 13 thí sinh và bảo Hoài nâng điểm môn Ngữ văn cho thí sinh.
Đối với bị can Phạm Văn Khuông, khi bị khởi tố, bị can là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang. Mặc dù bị can Phạm Văn Khuông không tham gia vào Hội đồng thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, nhưng bị can đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con trai mình.
Bản kết luận điều tra cũng nêu rõ với các tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan An ninh điều tra thu thập đã được chứng minh, làm rõ hành vi phạm tội của Vũ Trọng Lương, thể hiện rõ Vũ Trọng Lương đã thực hiện hành vi nâng điểm cho các thí sinh. Một mình Lương đã thao tác trên máy tính, can thiệp sửa kết quả 309 bài thi các môn của 107 thí sinh để nâng điểm. Bị can Nguyễn Thanh Hoài mặc dù không trực tiếp thực hiện hành vi can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh để nâng điểm, nhưng đã bàn bạc, thống nhất với Vũ Trọng Lương thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh, thể hiện vai trò chỉ đạo (chủ mưu). Hoài đã đưa danh sách các thí sinh cần được nâng điểm cho Lương, một mình Lương thực hiện thao tác trên máy tính, sửa kết quả bài làm của các thí sinh trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để nâng điểm của thí sinh.
Cũng trong vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của bị can Lê Thị Dung. Bị can Dung giữ chức vụ Phó đội trưởng Đội giáo dục đào tạo, y tế, lao động xã hội thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang. Mặc dù bị can Dung không được phân công thực hiện nhiệm vụ liên quan trong kỳ thi, nhưng qua quan hệ công tác, bị can Dung đã nhờ Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh tham dự kỳ thi này là con cháu bạn bè quen biết của Dung.
Liên quan đến những sai phạm tại các kỳ thi THPT Quốc gia xảy ra ở một số địa phương, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV), giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2018 trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sắp diễn ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh giải pháp tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi... và công an các địa phương được giao nhiệm vụ, cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao. Bộ dự kiến điều động cán bộ, giáo viên các trường đại học, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ. Đặc biệt, để khắc phục lỗ hổng hệ thống của năm 2018, Bộ đã sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.