Phương án xin hỗ trợ từ Cục lãnh sự đã được đưa ra nhằm giải quyết tình hình của 19 thuyền viên tàu Diamond Way tại UAE. |
Theo ông Tiến, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có quỹ hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài, vì thế trong tình hình này, với vai trò là cơ quan quản lý cấp trên, Cục Hàng hải chỉ có thể tác động bằng cách gửi văn bản đề nghị Lãnh sự quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) xem xét giúp đỡ, đó cũng là cách giải quyết nhanh nhất cho những nhu cầu tối thiểu của các thuyền viên và động viên họ ở lại giữ tàu.
Nói tới việc về nước của các thuyền viên, ông Tiến cho hay: “Thủ tục của các thuyền viên phụ thuộc vào chủ tàu và chủ tàu phải có ý kiến, nhưng cái khó hiện nay là chủ tàu không giải quyết được vấn đề tài chính. Kể cả Bộ Giao thông và Cục Hàng hải cũng đã có nhiều cuộc họp bàn về việc này, nhưng vẫn đang loay hoay tìm hướng xử lý”.
Trả lời về việc các thuyền viên tàu Diamond Way đã 3 lần gửi điện báo kêu cứu nhưng chưa từng nhận được hồi âm nào, ông Tiến khẳng định đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Vinashinlines có sự phối hợp và tìm cách giải quyết khó khăn của anh em thuyền viên.
“Nói rằng thực hiện theo chỉ đạo từ trên và không có quyền phát ngôn là lãnh đạo Vinashinlines vô trách nhiệm. Bộ Giao thông, Cục Hàng hải đã đề nghị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và công ty con của Vinalines là Vinashinlines thực hiện trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền viên cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động” - ông Tiến nhấn mạnh.
Được biết tàu Diamond Way bị bắt giữ tại UAE do Vinashinlines không trả tiền đại lý phí như hợp đồng đã ký. Theo Luật Hàng hải, tàu Diamond Way chỉ được thả khi Vinashinlines thanh toán đầy đủ tiền cước cho đối tác tại UAE.
Trước đó, 19 thuyền viên trên tàu Diamond Way của Vinashinlines bị bắt giữ hơn 2 tháng qua tại Cảng Jebel Ali - UAE vừa gửi bức điện thứ 3 về nước kêu cứu trong tình trạng kiệt quệ vì hết lượng thực, nước uống, điện thắp sáng và nhiều tháng không có lương.