Đề nghị thực hiện nghiêm "Thầy ra thầy - Trò ra trò" trong nhà trường

07-12-2023 16:23 | Xã hội

SKĐS - Liên quan đến vụ việc một số học sinh Trường THCS Văn Phú có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với một nữ giáo viên gây bức xúc dư luận, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa vào cuộc.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa ban hành văn bản số 275/CĐN gửi Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà giáo, người lao động trong các trường học. Nội dung văn bản nêu rõ, vừa qua mạng xã hội và một số trang truyền thông đưa tin về vụ việc học sinh có hành vi vô lễ với giáo viên xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày 29/11/2023.

Ngay sau khi nắm tình hình từ lãnh đạo Công đoàn Giáo dục tỉnh Tuyên Quang, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn Giáo dục tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Sơn Dương xử lý vụ việc theo hướng: Kiên quyết xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.

Sự việc này liên quan đến nhà giáo, người lao động trong ngành giáo dục, vì vậy, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố đề xuất, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị, trường học tăng cường các biện pháp giáo dục học sinh, thực hiện kỷ cương trường học, kỷ luật học đường; Thực hiện nghiêm phương châm "Thầy ra thầy - Trò ra trò" trong các nhà trường.

Chỉ đạo công đoàn các trường học rà soát thông tin, nắm bắt các vấn đề nảy sinh, kịp thời can thiệp, giải tỏa, chấn chỉnh để không xảy ra các hiện tượng vi phạm quy định đạo đức nhà giáo, các hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật. Đặc biệt là các vấn đề về công tác quản lý, quản trị trường học.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện chỉ đạo công đoàn các trường học trên địa bàn có biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng của nhà giáo, người lao động. Tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả Kế hoạch 103/CĐN của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về "Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới". Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ giáo viên có năng lực nghề nghiệp vững vàng; có kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm; có trách nhiệm bảo vệ danh dự cá nhân và uy tín, danh dự của nhà trường, của ngành giáo dục.

Đồng thời đôn đốc các đồng chí là cộng tác viên dư luận xã hội của Công đoàn Giáo dục Việt Nam tại các trường học kịp thời phát hiện, phản ánh các vấn đề nảy sinh để nhận được sự hướng dẫn cụ thể.

Như báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, cách đây ba ngày, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại hình ảnh một số học sinh lớp 7C, Trường THCS Văn Phú nhốt cô giáo Âm nhạc trong lớp, chửi bới, ném đồ vào người cô giáo. Những em học sinh này còn cầm gậy và quạt, chỉ vào mặt, tìm cách giật điện thoại cô giáo cầm trên tay.

Trong một video khác gần 5 phút, nhóm học sinh chửi tục rất nhiều, nhét rác vào cặp của cô giáo. Khi cô giáo từ bục giảng đi về phía cửa lớp, nhóm học sinh ném giấy và dép.

Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Dương, sự việc diễn ra lúc 10h30 sáng 29/11. Khi bắt đầu tiết Âm nhạc ở lớp 7C, một số học sinh xin ra ngoài nhưng giáo viên không đồng ý. Sau đó, giữa giáo viên và học sinh "xảy ra khúc mắc". Hết tiết học, cô giáo chuyển sang dạy lớp 6A thì một số học sinh lớp 7C đi sang, nói tục, xúc phạm cô giáo, quay video đăng lên Facebook.

Sáng 7/12, UBND huyện Sơn Dương đã có quyết định đình chỉ ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú trong thời hạn 15 ngày để phục vụ cho công tác xác minh, làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên, học sinh của nhà trường.

Từ vụ giáo viên bị xúc phạm: Đừng bao giờ coi học sinh là ‘thượng đế’Từ vụ giáo viên bị xúc phạm: Đừng bao giờ coi học sinh là ‘thượng đế’

SKĐS - "Nếu chúng ta không có một cuộc cách mạng để nâng cao vị thế của nhà giáo, không chung tay bảo vệ nhà giáo tốt hơn, thì mọi sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đổi mới thi cử... cũng chẳng có nhiều ý nghĩa", thầy Khánh nêu quan điểm.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn