Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, việc quản lý thực phẩm chức năng hiện còn nhiều vấn đề bất cập. Chẳng hạn, việc thổi phồng quảng cáo khiến người tiêu dùng nghĩ rằng thực phẩm chức năng là “thần dược” có tác dụng chữa bách bệnh;tình trạng thực phẩm chức năng giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được mua bán tràn lan qua mạng internet và trên thị trường khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được “thật”, “giả”;việc không ít người bán hàng lợi dụng các kênh bán hàng đa cấp, các chương trình “núp bóng” từ thiện khám chữa chữa bệnh miễn phí để tư vấn, tiếp thị, bánthực phẩm chức năng với giá cao gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và túi tiền người dân…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Các đại biểu Quốc hội cho rằng, thực phẩm chức năng mặc dù được quy định trong Luật An toàn thực phẩm nhưng không rõ ràng, chỉ có vài định nghĩa rất đơn sơ,không đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, không đủ tầm để quản lý cũng như hạn chế việc quảng cáo, lạm dụng thực phẩm chức năng đối với người bệnh, gây ra sự hiểu lầm của người bệnh...Trong dự thảo Luật Dược có điều: nghiêm cấm việc hiểu lầm hoặc tạo những điều khiến cho người dân hiểu lầm do quảng cáo, tiếp thị hay do tư vấn sử dụng sản phẩm không phải là thuốc. Như vậy, dự thảo đáp ứng được yêu cầu của đại biểu quốc hội là cố gắng có những quy định để hạn chế lạm dụng thực phẩm chức năng. Về lâu dài cần có Luật riêng về Thực phẩm chức năng.” – ông Tiên chia sẻ.
Siết chặt quản lý thực phẩm chức năng là việc làm cần thiết, tuy nhiên tại Việt Nam, việc quản lý thực phẩm chức năng được quy định bởi Luật an toàn thực phẩm. Trong khi đó, dự thảo luật Dược sửa đổi là để điều chỉnh các hoạt động quản lý về thuốc và mỹ phẩm.Vì vậy, việc bổ sung các quy định về thực phẩm chức năng vào Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) cần phải xem xét để tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa các văn bản Luật, đồng thời phải khắc phục được những khoảng trống mà các Luật hiện hành chưa điều chỉnh.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cùng với mục tiêu giúp cho người tiêu dùng dễ dàng phân biệt giữa thuốc với các sản phẩm không phải là thuốc (trong đó có thực phẩm chức năng), Ban soạn thảo đã bổ sung thêm quy định sau:Nghiêm cấm“thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể đối với các sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Những quy định trên được Ban soạn thảo bổ sung trong dự thảo là phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiều nước khác trên thế giới. Mà quốc tế họ định nghĩa và quy định rất rõ ràng: Những gì không phải là thuốc thì không được sử dụng những từ chỉ có thuốc mới được sử dụng như “điều trị”, “phòng bệnh”, “điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể.
- Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX)và quy định chung của Liên minh châu Âu (EU), nghiêm cấm thực phẩm chức năng có các chỉ định dùng để phòng, giảm nhẹ, điều trị, chữa bệnh/rối loạn hoặc bất kỳ tình trạng sinh lý cụ thể nào.
- Theo quy định của FDA Hoa Kỳ, thực phẩm chức năng không được dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh (chẳng hạn, thực phẩm chức năng không được phê duyệt cho các chỉ định như giảm đau hoặc điều trị các bệnh tim mạch). Những chỉ định này chỉ được FDA Hoa Kỳ cấp phép cho thuốc, không cấp cho thực phẩm chức năng.
- Tại Singapore có quy định nghiêm cấm việc thực phẩm chức năng được dán nhãn, quảng cáo, tiếp thị cho bất kỳ mục đích y khoa cụ thể nào, chẳng hạn dùng để hoặc có ngụ ý dùng để điều trị, phòng bất kỳ một bệnh/rối loạn nào, bao gồm cả các tình trạng có liên quan của bệnh hoặc rối loạn đó.