Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống tiếp tục nhận phản ánh của người dân về việc nước thải trong quá trình nuôi cá lóc trên cát tại xã Cam Hồng, tỉnh Quảng Trị (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cũ) chưa được xử lý triệt để gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Vùng cát ven biển thôn Tân Hải, Bắc Hòa xã Cam Hồng chi chít những ao nuôi cá lóc.
Trước đó, Báo Sức khỏe và Đời sống đăng tải bài viết "Quảng Bình: Nuôi cá lóc trên cát, xả thẳng nước thải không qua xử lý ra môi trường". Ghi nhận nội dung này, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) giao UBND huyện Lệ Thủy kiểm tra cụ thể nội dung Báo Sức khỏe và Đời sống phản ánh; Tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật nếu có vi phạm; Phản hồi thông tin tới Báo Sức khỏe và Đời sống; báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình.
Mới đây, phóng viên trở lại thôn Bắc Hòa, Tân Hải xã Cam Hồng, tỉnh Quảng Trị (mới), vùng đất cát ven biển này hiện chi chít những ao nuôi cá. Cạnh những ao cá này là nhiều mương nước có màu đen ngòm với mùi hôi tanh.

Cạnh những ao nuôi cá là mương nước đen ngòm, mùi hôi tanh.
Theo tìm hiểu, người dân tại xã Cam Hồng thường sử dụng các loại cá biển nhỏ hoặc thức ăn tổng hợp để nuôi cá lóc. Trung bình với diện tích mặt ao 100m2 người nuôi sẽ thả khoảng 10.000 con cá giống. Để có nguồn nước sạch phục vụ nuôi cá, người dân thường khoan giếng sâu trên vùng cát để hút nước ngầm.
Sau khi cho cá ăn, người dân thường thay nước trong ao nuôi. Lượng nước bẩn này được xả trực tiếp ra mương nước cạnh ao rồi theo các mương lớn chảy ra biển.
Sau khi cho cá ăn, nguồn nước trong ao nuôi được xả ra mương nước cạnh đó rồi chảy thẳng ra biển.
Ghi nhận tại bờ biển thôn Bắc Hòa và khu vực gần bãi tắm thôn Tân Hải có 2 dòng nước lớn màu đen ngòm, hôi thối chảy ra từ khu vực có nhiều hồ nuôi cá lóc. Dòng nước này khiến một khoảng dọc bờ biển đổi màu khác thường.
Theo một ngư dân địa phương, nước thải từ các ao nuôi cá lóc thường chứa nhiều chất thải, thức ăn dư thừa và có thể chứa mầm bệnh. Việc xả trực tiếp nước từ hồ chưa qua xử lý ra môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến các loài thủy sinh khác.
Cùng với đó, việc khai thác nước ngầm phục vụ nuôi cá quá mức có thể làm sụt giảm số lượng, chất lượng của nguồn nước.



Dòng nước chảy từ khu vực có nhiều ao nuôi cá lóc khiến một vùng dọc bờ biển đổi máu bất thường.
Bà Trần Thị Ngọc Trâm, Chủ tịch UBND xã Cam Hồng cho biết, sau khi Báo Sức khỏe và Đời sống phản ánh, chính quyền xã (Ngư Thủy Bắc cũ) và cơ quan chức năng vào cuộc, người dân dần thay đổi nhận thức và có những chuyển biến trong cách làm. Nhưng do nhiều yếu tố, tình trạng ô nhiễm do nuôi cá lóc trên cát chưa được xử lý triệt để. Địa phương tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tìm phương án xử lý.
Cụ thể, nhận phản ánh từ Báo, địa phương phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu nước thải từ hồ cá và nước ngầm trên địa bàn. Sau kiểm nghiệm xác định chất lượng nước thải chưa đảm bảo, nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng.

Nhiều hộ dân chuyển qua phương thức lót bạt để nuôi cá hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm.
Khi nhận được thông tin này, người dân phần nào hiểu tác hại và dần chuyển qua phương pháp đào ao lót bạt. Cùng với đó tính toán lại quy trình cho cá ăn và thay nước để giảm thiểu ô nhiễm.
"Dù chính quyền mới vừa đi vào hoạt động nhưng với vấn đề nổi cộm chúng tôi quan tâm và nỗ lực xử lý sớm. Địa phương đang kiểm tra cụ thể việc nuôi cá lóc trên cát, mặt lợi và hại. Cùng với đó đề xuất tới cơ quan chức năng liên quan có hướng dẫn để giải quyết vấn đề ô nhiễm khi chăn nuôi. Đây là sinh kế quan trọng của bà con vùng bãi ngang nên phải sớm có phương án vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường", bà Trâm chia sẻ.