Để nghề công tác xã hội trong bệnh viện phát triển: Cách nào?

03-12-2018 12:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Công tác xã hội trong bệnh viện có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh và với nhân viên y tế

CTXH trong bệnh viện: Tạo mối quan hệ hài hòa giữa người bệnh và cơ sở y tế

Tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia cho tài liệu “Hướng dẫn thực hành công tác xã hội trong bệnh viện” cho người làm công tác xã hội (CTXH) do Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức mới đây, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đều khẳng định, CTXH trong bệnh viện có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh và với nhân viên y tế.

Cán bộ phòng Công tác xã hội – bệnh viện Bạch Mai trao quà cho người bệnh

Do đó, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bệnh viện là nơi cần có hoạt động của CTXH nhất. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện nay, nhân lực làm công tác xã hội trong bệnh viện còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản.

Trong lĩnh vực y tế, nghề CTXH được xác định là một thành phần quan trọng trong Đề án Phát triển nghề CTXH của Chính phủ. Hoạt động CTXH trong ngành y tế, nhất là ở các bệnh viện là rất cần thiết. Nhân viên làm CTXH trong các bệnh viện không chỉ có vai trò hỗ trợ bệnh nhân mà còn hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng dịch vụ, nhân viên CTXH đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa người bệnh và bác sĩ giúp người dân yên tâm, tăng sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ y tế.

Tại một số bệnh viện thuộc các tuyến Trung ương, địa phương đã triển khai hoạt động CTXH với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ bác sĩ trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp. Hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh, góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. Tiêu biểu như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Viện Huyết học và Truyền máu TW, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bình Dân TP Hồ Chí Minh,…

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế),  tại nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển và trở thành một nghề chuyên nghiệp. Song tại Việt Nam, công tác xã hội trong ngành y tế là lĩnh vực mới. chưa phát triển đúng ý nghĩa và tầm vóc của nó trên tất cả các khía cạnh, từ nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động cho tới hệ thống cơ sở dịch vụ. Nhân lực ở Phòng Công tác xã hội, bộ phận công tác xã hội trong bệnh viện ở nước ta còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với nhân lực hiện có của bệnh viện.

Trong khi, với nhân lực làm công tác xã hội, tối thiểu phải chiếm từ 1 - 2% tổng số nhân lực của bệnh viện và được đào tạo bài bản. Họ không chỉ vận động tiếp nhận tài trợ, kết nối dịch vụ mà còn là người hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân; Hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế; Hỗ trợ chăm sóc hàng ngày cho người bệnh; Hỗ trợ pháp lý cho người bệnh; Truyền thông quan hệ cộng đồng…

Chú trọng đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CTXH cho cán bộ y tế

Bộ Y tế cho biết đến hết năm 2020, Phòng Công tác xã hội sẽ được thành lập tại 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 60% bệnh viện tuyến tỉnh và 30% các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện có thành lập Phòng Công tác xã hội. Với nhu cầu về nghề CTXH trong lĩnh vực y tế và định hướng của ngành, việc tham gia đào tạo loại hình này của các trường đại học trong ngành y tế là hết sức cấp thiết để đảm bảo nguồn nhân lực có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đặc thù của ngành và xã hội.

Cán bộ phòng Công tác xã hội- Bệnh viện Việt Đức hỗ trợ người bệnh về thủ tục ra/vào viện

Được biết, trong hệ thống các trường y hiện nay, Trường Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo cử nhân CTXH định hướng chuyên biệt lĩnh vực y tế. Chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về CTXH và chăm sóc sức khỏe. Chương trình đào tạo này sẽ cung cấp nguồn nhân lực ở trình độ đại học có kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, dịch tễ học; có kỹ năng nghề CTXH định hướng về hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương.

Nhiều ký kiến tại hội thảo cho rằng, để CTXH trong bệnh viện phát triển cần thực hiện nhiều đồng bộ các giải pháp như nâng cao nhận thức về CTXH cho bệnh nhân và người dân. Bên cạnh đó chú trọng đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CTXH cho cán bộ y tế. Ngoài ra, cần xây dựng một mạng lưới cán bộ làm CTXH y tế, xây dựng mô hình CTXH tại các cơ sở y tế. Đồng thời tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về lĩnh vực này.


Thái Bình
Ý kiến của bạn