Hà Nội

Để Ngành Dược liệu Việt phát triển bền vững

08-06-2016 17:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong số hơn 12.000 loài thực vật ở Việt Nam, có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc; trong đó, có nhiều loài dược liệu quý về cả công dụng chữa bệnh và giá trị về kinh tế. Tuy nhiên, trong 60.000 tấn dược liệu sử dụng mỗi năm tại Việt Nam, có 80-85% dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc).

Đó chính là một trong những thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Phát triển dược liệu bền vững” do Bộ Y tế phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức sáng ngày 8/6 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu và là quốc gia may mắn sở hữu nhiều dược liệu quý, hiếm, đặc dụng có tiềm năng và cơ hội phát triển rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thức thức không nhỏ. Đó là việc dược liệu nuôi trồng, thu hái trong nước mới đáp ứng ở mức thấp (khoảng 20 đến 25%) nhu cầu sử dụng; số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng chất lượng một số loại dược liệu nhập khẩu, nhất là nguồn gốc, xuất xứ của dược liệu nhập khẩu theo các con đường tiểu ngạch đang bị thả nổi.

Hàng năm, ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc). Việc nhập khẩu dược liệu không rõ nguồn gốc đang là vấn nạn trong những năm gần đây.

Kiểm soát Dược liệu nhập khẩu còn nhiều tồn tại

Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược học cổ truyền cho biết: Hiện nay, phần lớn dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, mỗi tuần khoảng 300-400 tấn dược liệu thông quan qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn. Dược liệu ở Trung Quốc có 2 dạng cung cấp: nông sản và dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Những dược liệu ở dạng nông sản không đảm bảo chất lượng để làm thuốc thì có giá rất rẻ so với các loại dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, phần lớn các dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam là những dược liệu ở dạng nông sản nên ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh dược liệu và ảnh hưởng xấu đến việc trồng, thu hái dược liệu tại Việt Nam.

Hiện nay, vấn đề quản lý dược liệu nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác kiểm soát dược liệu tại các cửa khẩu còn nhiều tồn tại như: Dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng qui định, phần lớn được đóng gói ở trong bao dứa, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng; dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường giống nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng của các dược liệu....

Từ tháng 3/2016 đến nay, Cục Quản lý Y, dược cổ truyền đã xét duyệt cấp Giấy phép nhập khẩu dược liệu cho 10 doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu nhập khẩu qua 7 nhà cung cấp từ phía Trung Quốc. Cục hạn chế nhập khẩu các dược liệu đã trồng được ở trong nước nhằm khuyến khích các đơn vị thu mua nguồn dược liệu trong nước; đồng thời khuyến khích các đơn vị chủ động tìm và sử dụng nguồn dược liệu nuôi trồng và sản xuất trong nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị gồm các Bộ cùng các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nơi sử dụng là các bệnh viện để đưa ra những kiến nghị về quy hoạch phát triển dược liệu.


Nguồn dược liệu quý trong nước chưa được phát triển xứng tầm

Theo báo cáo của Cục Quản lý Y, dược cổ truyền Bộ Y tế trong số hơn 12.000 loài thực vật ở Việt Nam, có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc; trong đó, có nhiều loài dược liệu quý về cả công dụng chữa bệnh và giá trị về kinh tế. Cây thuốc được phân bố rộng khắp trên cả nước, tập trung nhiều nhất vẫn là nơi có địa bàn núi cao, nơi tập trung nhiều quần thể rừng (khu vực miền núi phía Bắc, phía tây các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng...). Tổng sản lượng dược liệu trồng hàng năm ước tính khoảng 5.000 tấn.

Các báo cáo tại buổi tọa đàm nêu rõ: Nguồn dược liệu trong nước chưa được đầu tư phát triển; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dược liệu còn thiếu nên hoạt động kinh doanh, sản xuất dược liệu vẫn dựa theo các qui định về quản lý thuốc tân dược; hệ thống Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng dược liệu chưa được đầu tư thích đáng. Việc thu mua dược liệu trong nước chủ yếu tập trung thông qua các thương lái; một số ít theo đơn đặt hàng của các nhà máy sản xuất dược liệu... Công tác quản lý khai thác dược liệu còn lỏng lẻo; các dược liệu quý hiếm đang bị khai thác bừa bãi và chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu...

Hiện tại, chưa có qui định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Vì vậy, cả nhà cung cấp và cơ sở y tế đều bị động về nguồn cung do mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thời vụ và phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu. Mặt khác, giá dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền biến động rất nhiều theo thời vụ và thị trường dẫn tới tình trạng giá trúng thầu dược liệu, vị thuốc tại các tỉnh, thành phố chênh lệch nhau nhiều.

Trình bầy tại buổi Tọa đàm về những khó khăn và kiến nghị trong việc duy trì, phát triển sâm Ngọc Linh, một nguồn dược liệu quý, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND Huyện Nam Trà My cho biết, cây sâm Ngọc Linh là loại dược phẩm quý hiếm, được xếp vào một trong 04 cây sâm quý nhất trên Thế giới, ngang hàng với sâm Hàn Quốc, sâm Trung Quốc, sâm Mỹ, sâm của Nhật. Sâm Ngọc Linh được Chính phủ chủ trương đưa thành 03 sản phẩm dược liệu Quốc gia.

Theo ông Bửu, cây sâm Ngọc Linh hiện đang phân bố chủ yếu ở huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum. Sâm Ngọc Linh chưa trở thành sản phẩm đặt trưng của Việt Nam trong suy nghĩ của người Việt. Cơ chế, chính của Trung ương cũng như địa phươn để thu hút sự đầu tư của các công ty, doanh nghiệp chưa đủ mạnh; Công tác nghiên cứu khoa học về phát triển cây sâm còn ít, sản phẩm làm ra để phục vụ cho con người, cạnh tranh chưa có trên thị trường thế giới, nguồn kinh phí đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng đặc hữu của cây sâm Ngọc Linh.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND Huyện Nam Trà My cho biết, cây sâm Ngọc Linh là loại dược phẩm quý hiếm, được xếp vào một trong 04 cây sâm quý nhất trên Thế giới cần được bảo tồn và phát triển

Cây sâm Ngọc Linh Việt Nam - thuộc một trong 04 loại sâm quý nhất trên Thế giới

Giải pháp củng cố hệ thống cung ứng dược liệu

Trong năm 2014-2015, Bộ Y tế đã tiếp tục tổ chức kiểm tra chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong các cơ sở khám chữa bệnh và trong các cơ sở kinh doanh dược liệu; trong đó tập trung kiểm tra các dược liệu, vị thuốc đã có khuyến cáo của Bộ Y tế.

Kết quả cho thấy: Hầu như các cơ sở kinh doanh dược liệu đều có 2 loại gồm một loại có chất lượng tốt, đúng loại; một loại không đúng loại hoặc có chất lượng không tốt (như: Ý dĩ có hạt bo bo, Hoài Sơn có củ sắn, củ mỡ...). Ngoài ra, trong các đợt kiểm tra, phần lớn các cơ sở khám chữa bệnh, đặc  biệt là trong các bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền sử dụng dược liệu chưa được chế biến theo đúng qui định, trong đó có những vị thuốc có độc tính như bán hạ, phụ tử và các vị thuốc y học cổ truyền bắt buộc phải chế biến mới sử dụng để điều trị cho bệnh nhân. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị bằng y học cổ truyền.

Trước thực trạng trên, Cục Quản lý Y, dược cổ truyền đề xuất: Để củng cố hệ thống cung ứng dược liệu, cần xây dựng cơ chế chính sách kinh tế hỗ trợ cho dược liệu sản xuất trong nước (bao gồm: dược liệu trồng trong nước, dược liệu khai thác hợp pháp, dược liệu khai tác kết hợp bảo tồn bền vững...).

Đồng thời, ngành y tế tăng cường kiểm tra các dược liệu được nhập vào Việt Nam, trong đó qui định dược liệu nhập khẩu về Việt Nam phải chứng  minh được nguồn gốc, xuất xứ, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của từng đợt nhập dược liệu; tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức theo nhiều loại hình (chính quy, đào tạo liên tục, đào tạo liên thông, đào tạo cử tuyển với các vùng đặc biệt khó khăn) nhằm đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cán bộ y học cổ truyền.

Bộ Y tế sẽ tăng cường xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dược liệu sau chế biến; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học trong việc tạo giống dược liệu chất lượng cao; hiện đại hóa hệ thống kiểm nghiệm dược liệu, thuốc từ dược liệu từ trung ương đến địa phương. Ngành y tế sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng các viện, bệnh viện y học cổ truyền trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.


Bà Vũ Thị Thuận, Công ty Cổ phần Traphaco cho biết Traphaco phát triển một hướng đi chiến lược mang tính thời đại – chiến lược “Con đường sức khỏe xanh; Công nghệ xanh; Sản phẩm xanh; Dịch vụ xanh” và giải pháp thực hiện là mối liên kết 4 nhà

Bà Vũ Thị Thuận, Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, nắm bắt được xu hướng phát triển, từ tầm nhìn bao quát và có chiều sâu của toàn bộ bối cảnh ngành Dược, Traphaco phát triển một hướng đi chiến lược mang tính thời đại – chiến lược “Con đường sức khỏe xanh; Công nghệ xanh; Sản phẩm xanh; Dịch vụ xanh” và giải pháp thực hiện là mối liên kết 4 nhà: nhà nước - nhà khoa học - nhà sản xuất và nhà nông.

Kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi Tọa đàm đã ghi nhận những ý kiến của đại biểu tham luận và cho biết sẽ tìm hướng khắc phục những tồn tại, như trong quy hoạch của phát triển Dược liệu, hiện đang có nhiều đơn vị quản lý với ý kiến đề nghịBộ Y tế nhận nhiệm vụ phát triển cho ngành dược liệu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị gồm các Bộ cùng các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nơi sử dụng là các bệnh viện để đưa ra những kiến nghị về quy hoạch phát triển dược liệu. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp Báo Nhân Dân khởi xướng những hội thảo tìm ra mô hình phát triển dược liệu gắn với Luật Dược mới ban hành.

Vi deo: Buổi Tọa đàm "Phát triển dược liệu bền vững" ngày 8/6


Thanh Loan
Ý kiến của bạn