Để mãn dục nam không còn đáng sợ

27-12-2020 19:15 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Nếu phụ nữ phải đối diện với mãn kinh thì nam giới cũng bị mãn dục. Mãn dục nam không chỉ ảnh hưởng đến tình dục mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu biết cách đối phó thì sẽ giảm nhẹ các triệu chứng do mãn dục gây ra.

Sau tuổi 40, các phủ tạng dần bị suy thoái, cơ thể nam giới không sản sinh đủ lượng nội tiết tố nam testosterone cần thiết, quá trình mãn dục bắt đầu diễn ra từ từ. Đó là nguồn gốc làm suy giảm khả năng tình dục và gây nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Các dấu hiệu mãn dục nam biểu hiện rõ nhất ở khả năng tình dục và sinh sản.

Giảm ham muốn tình dục: nội tiết tố testosterone có tác động kích thích ham muốn tình dục, duy trì phong độ cho đàn ông. Khi lượng testosterone trong cơ thể suy giảm, ham muốn tình dục cũng giảm theo.

Rối loạn cương dương: Đây là dấu hiệu thường thấy khi nam giới bước vào giai đoạn mãn dục. Điều này được lý giải là do testosterone kích thích tăng ham muốn tình dục, sự ham muốn tác động lên vỏ não, vỏ não truyền xuống hệ thần kinh phó giao cảm gây giãn mạch và dương vật cương cứng. Khi nội tiết suy giảm, rối loạn cương dương sẽ diễn ra thường xuyên hơn.

Giảm số lượng và chất lượng tinh trùng: Ở người bị mãn dục nam, lượng và chất tinh trùng sẽ giảm sút.

Các triệu chứng biểu hiện toàn thân gồm:

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và gặp các biến chứng của bệnh tăng theo lứa tuổi. Bệnh tim mạch thường xuất hiện trên những người bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc rối loạn cương dương do lượng testosterone giảm.

Khi lượng testosterone giảm theo tuổi tác, sẽ gây ra một loạt các biểu hiện suy giảm tình dục ở nam giới.

Khi lượng testosterone giảm theo tuổi tác, sẽ gây ra một loạt các biểu hiện suy giảm tình dục ở nam giới.

Thiếu máu não là một trong những biểu hiện toàn thân nghiêm trọng, khiến hoạt động thần kinh của não bộ bị suy giảm. Vì thế, quý ông thường khó tính, hay giận dữ vô cớ. Ngoài ra, họ còn có hiện tượng trầm cảm, giảm trí nhớ, hay quên, khó tập trung tư tưởng, đau đầu, mất ngủ, hay có những cơn hoảng sợ về đêm, cảm thấy mệt mỏi chán chường vào sáng sớm...

Tuổi cao kèm theo sự giảm sút lượng testosterone tác động sự chuyển hóa dễ gây rối loạn chuyển hóa, làm tăng trưởng và tích tụ các tế bào mỡ, gây béo bụng, gan nhiễm mỡ, mỡ máu cao...

Ngược lại với sự tăng trưởng các tế bào mỡ, khối lượng các cơ quan không có mỡ, cơ bắp trên khung xương, các dịch ngoài tế bào sẽ giảm, gây nên tình trạng cơ bắp teo tóp lại làm giảm diện tích của cơ thể. Trương lực cơ giảm sút gây nên tình trạng lười vận động, mệt mỏi.

Testosterone tăng trưởng giúp cho sự gắn kết chắc chắn giữa thân xương và màng xương để rồi phát triển đồng bộ độ lớn và độ dài của xương. Testosterone cũng giúp cho sự phát triển kết cấu của xương do mật độ tinh thể calcium tăng trưởng. Tuổi già và sự giảm sút nồng độ testosterone trong máu sẽ gây loãng xương và dễ bị gãy xương lớn.

Biến dạng da, lông, tóc, móng: Tuổi mãn dục kéo theo tình trạng da mất dần độ căng bóng, da chùng và nhão hơn, các vết nám, đồi mồi cũng xuất hiện nhiều hơn. Tốc độ tân tạo lông và tóc giảm không kịp bù trừ cho số bị thoái hóa nên lông và tóc rụng nhiều trở nên thưa thớt. Màu sắc lông và tóc cũng chuyển sang màu bạc trắng. Móng chân, tay sẽ mỏng dần và dễ gãy.

Để mãn dục không đáng sợ

Mãn dục nam diễn ra theo quy luật tự nhiên, nhưng cũng có biện pháp để quá trình ấy diễn ra chậm hơn và giảm các triệu chứng do mãn dục gây ra. Quý ông cần có lối sống lành mạnh, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress. Ngoài việc có một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để bồi dưỡng cho cơ thể một cách hợp lý (cân bằng các nhóm thực phẩm: đạm, đường, chất béo, các khoáng tố, các sinh tố); cần nghỉ ngơi, bỏ rượu, bia, cà phê, thuốc lá... Nam giới nên tăng cường vận động để có nền tảng thể lực tốt, đẩy lùi các dấu hiệu của rối loạn chuyển hóa và các triệu chứng do mãn dục gây ra. Khi thấy có những biểu hiện của mãn dục nam diễn ra mạnh mẽ, cần đi khám nam khoa để được bác sĩ tư vấn. Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc, tránh tiền mất tật mang.


BS. TÂM ANH
Ý kiến của bạn