Để Luật BHXH vào cuộc sống: Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương

27-01-2016 23:34 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi với nhiều chính sách ưu việt cho người tham gia BHXH đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi với nhiều chính sách ưu việt cho người tham gia BHXH đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Thực tế cho thấy để những chính sách an sinh xã hội thiết thực của Luật đi vào thực tiễn cuộc sống một cách sâu rộng, ngoài sự nỗ lực của ngành BHXH và các cơ quan liên quan thì vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương khá quan trọng trong việc tổ chức thực hiện Luật...

Về vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tại Điều 12 của Luật BHXH (sửa đổi) đã quy định một cách rõ ràng, đầy đủ và toàn diện nội dung này. Theo đó, trách nhiệm của UBND các cấp được thể hiện cụ thể như: chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH; Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình HĐND cùng cấp quyết định; Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH; Kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH.

Như vậy, Luật BHXH (sửa đổi) đã khẳng định tầm quan trọng của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực thi có hiệu quả Luật BHXH tại mỗi địa phương.

Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức, thực hiện Luật BHXH như: Tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHXH; Ban hành văn bản, Chỉ thị về tăng cường chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh; Tổ chức chỉ đạo triển khai thực thi pháp luật về BHXH trên cơ sở các nội dung của các văn bản, chỉ thị; Thực hiện thanh kiểm tra và tham gia giám sát việc thực thi pháp luật BHXH; Tổng kết và thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm cùng các kiến nghị, đề xuất về công tác này.

Theo đó, các hoạt động này có mang lại một số kết quả nhất định, song cũng còn không ít những hạn chế cần được khắc phục. Những hạn chế này tập trung ở một số vấn đề như: Mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH hàng năm chưa đạt so với kế hoạch đặt ra, diện bao phủ BHXH trong số đối tượng được điều chỉnh còn hạn chế, đặc biệt đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn quá ít so với yêu cầu đặt ra; Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH của một bộ phận không nhỏ các chủ sử dụng lao động chậm được khắc phục, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động cũng như việc hạn chế khả năng tăng trưởng quỹ BHXH.

Đây là những bất cập căn bản cần được khắc phục trong quá trình triển khai Luật BHXH (sửa đổi), mà một phần nguyên nhân là do chính quyền địa phương tại một số tỉnh, thành phố chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước trong phạm vi địa phương quản lý, mà trong đó hoạt động chỉ đạo mở rộng đối tượng tham gia các loại hình BHXH chưa được chú trọng, chưa trở thành chỉ tiêu cần thực hiện trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; Cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành, thanh kiểm tra về BHXH, BHYT còn hạn chế, việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền chưa được thực thi nghiêm túc; Công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa đúng đối tượng; Chưa chỉ đạo và huy động được sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể vào cuộc vận động tuyên truyền trong nhân dân và người lao động.

Để triển khai hiệu quả việc thực hiện Luật BHXH (sửa đổi), đảm bảo an sinh cho người dân tại mỗi địa phương, đưa Luật đi vào đời sống nhân dân, thì trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền địa phương cần khắc phục tối đa các bất cập nêu trên. Cụ thể, phải tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đã đặt ra. Và việc đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhận thức đầy đủ, sâu sắc về chính sách, pháp luật BHXH sẽ là tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thấy rõ vai trò, trách nhiệm đối với việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 21 nói riêng và các chủ trương, chính sách BHXH, BHYT nói chung; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nội dung thiết thực, dưới nhiều hình thức khác nhau phù hợp với từng chủ thể cần tác động; Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, HĐND, UBND các cấp cần có các văn bản, nghị quyết, quyết định, quy định... cụ thể về chính sách BHXH, BHYT để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện; Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp mấu chốt là phải nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác BHXH, BHYT và đội ngũ làm các dịch vụ chăm sóc, đảm bảo quyền lợi cho người dân; Đồng thời, phải làm cho người lao động, chủ sử dụng lao động hiểu rõ trách nhiệm việc tham gia BHXH bắt buộc, từ đó tạo động lực cho người dân tự giác tham gia BHXH tự nguyện, góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống bền vững của bản thân mỗi cá nhân và gia đình trong xã hội.


PV (Theo Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam)
Ý kiến của bạn