Để Luật BHXH sửa đổi đi vào cuộc sống: Cần có sự vào cuộc của toàn xã hội

06-02-2016 13:35 | Thời sự

SKĐS - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 với rất nhiều điểm quy định mới so với Luật BHXH trước đó (Luật BHXH 2006), đã thể hiện một bước phát triển mới về chính sách an sinh xã hội nói chung, hệ thống pháp luật về BHXH nói riêng.

Luật BHXH năm 2014 được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, gồm 9 chương, 125 điều, quy định chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan BHXH; Quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Việc sửa đổi Luật BHXH đã cơ bản đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện pháp luật về BHXH nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Đồng thời, khắc phục những hạn chế trong chính sách, pháp luật BHXH hiện hành và nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện, tiến tới BHXH cho mọi người lao động.

Để thực hiện được mục tiêu lớn này, Luật BHXH 2014 có thêm nhiều quy định mới với những mục tiêu cụ thể:

Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH: Để đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị ban hành về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, xác định đến năm 2020 có khoảng 50% số lực lượng lao động tham gia BHXH, Luật BHXH 2014 đã quy định rõ việc mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH. Trong đó, bổ sung một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc như: người lao động làm việc theo mùa vụ, hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã... Mở rộng chính sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện như bỏ quy định giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện, cho nên mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc có nguyện vọng đều được tham gia BHXH tự nguyện; bỏ quy định mức sàn thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện để phù hợp khả năng tham gia của người dân và Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện... Thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện theo hướng linh hoạt hơn, như cho phép đóng mỗi năm một lần, một lần cho nhiều năm trong quá khứ hoặc trong lương lai.

Luật BHXH lần này đã sửa đổi một số nội dung về các chế độ BHXH theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi cho người lao động, từng bước thực hiện nguyên tắc cân bằng đóng - hưởng. Đối với chế độ, chính sách BHXH, nhìn chung các thay đổi đều hướng đến tính nhân văn, nhân đạo và bảo đảm công bằng xã hội. Những thay đổi lớn chủ yếu là chế độ thai sản và hưu trí. Riêng với chế độ thai sản, lần đầu tiên trong chính sách BHXH quy định nam giới được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con và cũng lần đầu tiên Luật quy định về quyền hưởng chế độ thai sản đối với người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Ngoài ra, chế độ tử tuất cũng được sửa đổi, tạo sự công bằng hơn trong thụ hưởng và mức hưởng cũng tăng từ 1,5 - 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng cho mỗi năm tham gia BHXH. So với Luật BHXH năm 2006, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung một số điểm mới, theo hướng có lợi hơn cho người lao động. Cụ thể, đối với những người tham gia BHXH bắt buộc: người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2018.

Đồng thời, Luật BHXH cũng bổ sung chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đây là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật và được Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia.

Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đổi mới phương thức và tổ chức thực hiện chính sách BHXH: Luật BHXH 2014 quy định rõ việc thực hiện BHXH phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH. Luật quy định việc hiện đại hóa trong quản lý BHXH, khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để quản lý, thực hiện BHXH; đến năm 2020, hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong cả nước. Theo đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, chuyên nghiệp hóa nghiệp vụ, giảm chi phí quản lý, giảm thiểu các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người lao động.

Luật BHXH 2014 cũng quy định xây dựng và hoàn thiện các quy chế về đầu tư quỹ BHXH bảo đảm tính hiệu quả, linh hoạt trong hoạt động đầu tư; tăng cường việc giao quyền và trách nhiệm cho đơn vị, tổ chức thực hiện đầu tư; các khoản đầu tư phải bảo đảm được nguyên tắc về bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH, đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhưng vẫn bảo đảm tính an toàn.

Luật BHXH năm 2014 cũng tăng thẩm quyền, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan tổ chức thực hiện: Theo  quy định tại Luật BHXH 2014, cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các nhiệm vụ khác theo quy định của luật và hướng dẫn của Chính phủ. Ngoài việc được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan BHXH còn được quyền yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình hồ sơ liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; quyền được cơ quan quản lý kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cung cấp một số thông tin của tổ chức, cá nhân... Đây là những nội dung rất quan trọng để nắm bắt được số lượng đơn vị sử dụng lao động, số lượng lao động cũng như biến động về lao động, tiền lương, tiền công làm cơ sở để tổ chức thu BHXH, giải quyết các chế độ BHXH của người lao động. Cùng với đó, Luật còn quy định thẩm quyền xử phạt của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành... rõ ràng, cụ thể.

Luật BHXH 2014 có rất nhiều tiến bộ và có sự đồng thuận cao, vấn đề hiện nay là việc triển khai thực hiện như thế nào. Đối tượng của Luật BHXH tác động đến là tất cả mọi người lao động trên khắp cả nước nên muốn chính sách này thành công cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác truyền thông phải rất được coi trọng. Trách nhiệm của cơ quan BHXH là rất nặng nề vì trực tiếp thực hiện, soạn thảo các tài liệu tuyên truyền để người lao động phải hiểu thấu đáo về chính sách BHXH, tự giác, tự nguyện, tự tin thực hiện Luật, thấy được lợi ích mang lại cho bản thân mình.

Để Luật BHXH 2014 đi vào cuộc sống và triển khai hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự cộng tác của người dân. Với vai trò là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH đến mọi người sử dụng lao động và người lao động với nội dung, hình thức phong phú, ký phối hợp với các cơ quan truyền thông quốc gia để giải thích chính sách, cung cấp tài liệu tuyên truyền cụ thể chuyển đến từng nhóm người lao động. Ngành BHXH cũng xác định mỗi cán bộ BHXH phải là một tuyên truyền viên, những cơ quan, đơn vị làm dịch vụ là “cánh tay” nối dài giữa BHXH với người dân.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ BHXH. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng giao dịch điện tử trong thực hiện thủ tục hành chính về BHXH để giảm thời gian giao dịch của các doanh nghiệp. Đồng thời, ngành BHXH cũng kiện toàn bộ máy tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của ngành theo quy định của Luật BHXH 2014. Trong đó, tập trung xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ; góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội...


Nguyễn Đình Khương
Ý kiến của bạn