Chưa phát huy hết tiềm năng
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, Sở đã tổ chức ký kết 9 chương trình hợp tác, phát triển du lịch với các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sở đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch như: Chương trình "Quảng Bình trong lòng Hà Nội", "Sắc màu Sơn La Tây Bắc", "Ngày văn hóa Tuyên Quang tại Hà Nội", "Ngày Tây Ninh tại Hà Nội"...
Giai đoạn từ 2019 đến nay, Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá Hà Nội, trong đó lồng ghép nội dung quảng bá tour, tuyến du lịch của Hà Nội kết nối với các điểm du lịch của các tỉnh, thành phố khác.
Lãnh đạo các cơ quan quản lý du lịch ở các tỉnh, thành đều đánh giá, hoạt động liên kết, phát triển du lịch với Hà Nội đã mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc xây dựng sản phẩm và mở rộng lượng khách. Tại một số địa phương như Cà Mau, Nghệ An..., khách chủ yếu là miền Bắc, trong đó khách Hà Nội chiếm đến 30%.
Hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương đang mang lại hiệu quả trong việc ổn định thị trường, phát triển du lịch.
Mặc dù mang lại không ít hiệu quả trong phát triển du lịch, nhưng các đại biểu cũng nhìn nhận, việc hợp tác liên kết hiện nay chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, đôi khi còn nặng tính hình thức.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua mới chỉ tập trung vào quảng bá xúc tiến, trong khi đó, những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực... chưa được chú trọng đúng mức.
Đồng tình quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam Lê Ngọc Tường cũng cho rằng, việc liên kết còn thiếu cơ chế cũng như thiếu vai trò "đầu tàu" của các tỉnh, thành có nguồn lực mạnh.
Đánh giá về hiệu quả của hoạt động liên kết du lịch thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nhìn nhận, hoạt động liên kết du lịch đang thực hiện theo hình thức luân phiên vai trò chủ trì, nhưng do các tỉnh, thành phố có nguồn ngân sách độc lập, tiềm lực khác nhau nên việc điều phối hoạt động liên kết không đồng đều.
"Muốn đi xa thì đi cùng nhau"
Liên kết du lịch đang là một trong những hoạt động trọng điểm được các địa phương chú trọng, bởi đây được xem là giải pháp quan trọng để tăng lượng khách nội địa, cùng nhau vượt khó trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho rằng, trong giai đoạn khó khăn này, các địa phương cần có sự liên kết, chia sẻ một cách thực chất hơn.
"Hoạt động quảng bá điểm đến cần được đẩy mạnh tạo thành chuỗi điểm đến cho du khách. Lúc này, muốn đi xa phải đi cùng nhau, bởi bản chất của du lịch là hoạt động của tour, tuyến, nếu không hợp tác sẽ rất khó phát triển", ông Bùi Văn Mạnh nói.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Trần Trí Dũng, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cần thực hiện theo cụm và theo từng vùng, nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao gắn kết được các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú, dịch vụ. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường đề nghị các địa phương "ngồi lại" với nhau để bàn về những sản phẩm đặc trưng của từng vùng, tránh việc cạnh tranh sản phẩm dẫn đến sự giống nhau hoặc xung đột nhau.
Về chính sách quản lý nhà nước trong việc tạo hiệu quả liên kết du lịch giữa các địa phương, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, các địa phương phải linh hoạt hơn trong các hoạt động liên kết, hợp tác.
"Để liên kết, hợp tác phát triển du lịch hiệu quả thì quan trọng nhất vẫn là làm sao để các doanh nghiệp tìm được sản phẩm du lịch phù hợp, giá cả cụ thể. Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng hơn trong việc sử dụng nền tảng công nghệ số, phát triển du lịch thông minh thì sẽ dễ dàng kết nối hơn", bà Nguyễn Thị Thanh Hương bày tỏ.