Thấp khớp cấp là một thể lâm sàng của bệnh tự miễn dịch, xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn β tan huyết nhóm A (LCK β - A) ở đường hô hấp trên gây tổn thương ở mô liên kết của nhiều cơ quan, trong đó quan trọng nhất là tổn thương khớp và tim. Nếu bệnh không được điều trị sớm và dùng thuốc đúng cách sẽ gây ra các biến chứng khó lường. Các tổn thương tại khớp thường chỉ thoảng qua và không để lại di chứng gì, nhưng tổn thương tại tim (chủ yếu các van tim) lại để lại những hậu quả nhiều khi rất nặng nề.
Biểu hiện của bệnh như thế nào?
Khi bệnh nhân bị nhiễm LCKβ - A thì nguy cơ mắc thấp khớp là rất cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 50 - 70% bệnh nhân thấp khớp cấp có tiền sử viêm họng do liên cầu khuẩn. Có trường hợp viêm họng nhẹ thoảng qua biểu hiện bằng đau họng đơn thuần, cũng có khi không có biểu hiện viêm họng ban đầu. Sau viêm họng 7 - 15 ngày các triệu chứng của thấp khớp cấp xuất hiện: bệnh nhân sốt cao 38 - 390C, tim đập nhanh, da tái xanh, vã mồ hôi.
Hình ảnh tim bị tổn thương do bệnh thấp tim.
Các biểu hiện ở khớp: Thường biểu hiện bằng viêm khớp cấp di chuyển từ khớp nọ sang khớp kia. Các khớp sưng nóng đỏ đau nhiều, hạn chế vận động do sưng đau kéo dài vài ngày đến một tuần rồi khỏi chuyển sang khớp khác, không để lại di chứng gì. Các khớp hay bị là các khớp gối, cổ chân, khuỷu, vai, rất ít gặp các khớp nhỏ ngón chân tay, hầu như không gặp ở cột sống và khớp háng. Đôi khi triệu chứng ở khớp rất kín đáo chỉ có cảm giác đau mỏi hoặc viêm khớp kéo dài ít di chuyển, viêm các khớp nhỏ.
Các biểu hiện trên tim: Thấp khớp có thể gây tổn thương trên cả 3 phần của tim: viêm màng trong tim; viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Tỷ lệ tổn thương tim gặp trong khoảng 30 - 90% bệnh nhân thấp tim. Khi bị biến chứng vào tim, bệnh nhân cảm thấy nhịp tim nhanh, khó thở, đau ngực trái...
Điều trị thấp tim ra sao?
Để hỗ trợ điều trị, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời gian bệnh tiến triển, giữ ấm, ăn nhẹ. Ở những bệnh nhân không có triệu chứng viêm cơ tim, có thể nằm bất động trong thời gian 2 - 3 tuần, nếu có viêm cơ tim thì thời gian bất động phải được kéo dài ít nhất 4 tuần. Nếu bệnh nhân có suy tim thì bất động khoảng 8 tuần cho đến khi các triệu chứng suy tim được cải thiện. Ngừng các vận động thể dục trong 6 tháng sau đó.
Các loại thuốc được sử dụng là kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc điều trị suy tim, điều quan trọng nhất là phải dự phòng thấp khớp cấp.
Kháng sinh được sử dụng đầu tay trong bệnh lý này là penicillin G tiêm bắp hoặc penicillin V uống. Nếu dị ứng penicillin có thể thay bằng kháng sinh khác như erythromycin.
Các thuốc chống viêm được sử dụng phải dựa vào mức độ tổn thương của khớp và tim. Với viêm khớp đơn thuần thì có thể dùng aspirin. Nếu viêm tim mức độ nhẹ và trung bình thì phải dùng prednisolon bắt đầu từ liều tấn công rồi giảm dần cho tới khi hết các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm máu, miễn dịch trở về bình thường. Khi giảm liều prednisolon có thể bổ sung thêm aspirin 75mg/kg/ngày và tiếp tục trong 4 - 6 tuần sau khi đã ngừng prednisolon. Với thể nặng có thể dùng steroid đường tĩnh mạch.
Các bước điều trị trên phải được bắt đầu từ bệnh viện, nơi có chuyên khoa tim mạch và khớp, sau đó bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc tại nhà và các bước theo dõi tiến triển của bệnh cũng như lịch hẹn tái khám.
Dự phòng thấp khớp cấp bằng cách nào?
Việc sử dụng thuốc để dự phòng bệnh là rất quan trọng, bởi đây là một mắt xích chính trong việc kiểm soát bệnh.
Để dự phòng thấp khớp thứ phát nhằm ngăn ngừa các đợt thấp tái phát ở người đã bị thấp khớp cấp hoặc thấp tim cần sử dụng benzathin penicillin tiêm bắp thịt, cứ 3 tuần tiêm nhắc lại một lần; penicilin V 500.000 uống hàng ngày (tùy theo tuổi, cân nặng sẽ có hàm lượng hợp lý).
Thời gian phòng ngừa thấp tim:
Với trường hợp thấp khớp không có tổn thương tim thì cần dự phòng thấp trong 5 năm. Thấp tim có di chứng nhẹ ở một van tim thì người lớn dự phòng 5 năm, trẻ em dự phòng cho tới 18-20 tuổi. Thấp tim di chứng van tim nặng cần dự phòng thấp tái phát cho tới 40 tuổi hoặc suốt đời.