Để lại nguồn sáng khi nằm xuống

07-12-2014 20:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Với những người không may mắc phải bệnh lý giác mạc dẫn đến mù loà, cách điều trị duy nhất là được ghép giác mạc mới mong tìm lại ánh sáng.

Với những người không may mắc phải bệnh lý giác mạc dẫn đến mù loà, cách điều trị duy nhất là được ghép giác mạc mới mong tìm lại ánh sáng. Những giác mạc hiến tặng mang lại hy vọng cho những con người không may mắn đó, là nghĩa cử cao đẹp của những tấm lòng nhân ái, để lại ánh sáng cho đời khi nằm xuống.

Từ chỗ quyết liệt phản đối đến cả dòng họ hiến giác mạc

Câu chuyện của giáo dân Hoàng Văn Tiện (66 tuổi, ở Kim Sơn, Ninh Bình) thật sự xúc động. Gia đình ông có 2 người đã hiến tặng giác mạc là bố đẻ và chị gái ông Tiện và 8 người đã đăng ký hiến. Người cháu nhỏ nhất trong nhà, một sinh viên Đại học Y khoa Thái Bình cũng noi gương các cô chú bác của mình đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Ông vẫn đang tiếp tục vận động các anh em, con cháu tham gia.

GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân - nguyên Giám đốc BV Mắt TW, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS. Tôn Thị Kim Thanh – nguyên Giám đốc BV Mắt TW đăng ký hiến tặng giác mạc.

Ông Tiện kể lại: Ban đầu, việc hiến tặng giác mạc của bố và chị gái ông gặp không ít khó khăn do nhiều ý kiến phản đối trong dòng họ; có người con, cháu ở xa về khóc lóc thảm thiết cho là bị khoét mắt, người chết đã đau khổ làm thế lại càng gây thêm đau khổ hơn. Nhưng sau khi được ông Tiện và chính quyền địa phương giải thích cặn kẽ, một số con cháu có tư tưởng sai lệch cũng đã hiểu ra. Ông tâm sự chân thành và sâu sắc: “Sau khi bố và chị gái tôi hiến tặng giác mạc, tôi nhận thấy rằng, hiến giác mạc chỉ là hiến đi một màng mỏng của mắt. Con mắt và khuôn mặt của người hiến vẫn bình thường. Sau khi có người hiến giác mạc, gia đình mình vẫn rất bình yên, không có biến động gì và cảm nghĩ rằng tuy bố và chị đã vĩnh biệt thế gian nhưng vẫn còn một phần thân thể nhỏ bé đang còn sống và sống có ý nghĩa cho người khác. Điều này hoàn toàn phù hợp với những điều răn dạy của Chúa. Từ câu chuyện của gia đình mình, tôi mong muốn rằng mọi người trên đất nước Việt Nam mình, vì lòng tương thân tương ái, hãy ủng hộ, vận động hiến giác mạc thật nhiều để chia sẻ những khó khăn, thiệt thòi cho những người không may bị mù đang sống trong đau khổ, tuyệt vọng”.

Ghép giác mạc – Cách điều trị duy nhất để phục hồi thị lực

Giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, phía trước tròng đen, cho ánh sáng đi qua và hội tụ ở đáy mắt giúp chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật. Là nơi tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên giác mạc rất dễ bị tổn thương. Thị lực sẽ giảm hay mất hoàn toàn nếu giác mạc trở nên mờ đục do bị bệnh, tổn thương hoặc nhiễm khuẩn.

Giác mạc được hiến tặng là một món quà vô giá. Việc hiến tặng giác mạc mang ý nghĩa nhân đạo cao cả và là tự nguyện. Hành vi mua bán giác mạc là vi phạm pháp luật và đạo đức.

Người hiến tặng giác mạc sẽ được tôn vinh, gia đình người hiến được trao tặng Bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp.

Thân nhân của người hiến tặng giác mạc sẽ được ưu tiên trong khám chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ mắc bệnh về giác mạc cần phải thay thế.

Theo TS.BS. Phạm Ngọc Đông - Trưởng khoa Kết giác mạc, Bệnh viện (BV) Mắt Trung ương, những nguyên nhân gây mù giác mạc có thể gặp trong trường hợp viêm loét giác mạc, bỏng giác mạc, bệnh giác mạc hình chóp, loạn dưỡng giác mạc di truyền, chấn thương mắt hay những biến chứng sau phẫu thuật mắt. Với các trường hợp mù lòa do bệnh lý giác mạc, cách điều trị duy nhất để đem lại thị lực cho bệnh nhân là ghép giác mạc nhằm thay thế phần giác mạc bị bệnh bằng giác mạc lành của người hiến. Nhờ phẫu thuật này mà bệnh nhân có thể nhìn lại được và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạc sau khi qua đời

Danh sách bệnh nhân có chỉ định ghép giác mạc tại BV Mắt Trung ương đã lên tới con số hàng nghìn ca, nhưng chỉ 10 - 15% trong số đó được ghép. Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở nước ta đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng giác mạc thu nhận được từ người hiến mới chỉ đáp ứng được rất nhỏ so với nhu cầu cần được ghép. Sau 5 năm đi vào hoạt động, Ngân hàng Mắt – BV Mắt TW mới chỉ tiếp nhận được 461 giác mạc từ 235 người hiến giác mạc trong cả nước. Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt, BV Mắt TW cho biết: Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạc, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người mắc bệnh nan y như ung thư, người có thị lực kém (cận, viễn, loạn, đục thuỷ tinh thể...) hay đã từng phẫu thuật về mắt mà giác mạc vẫn còn tốt thì vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Những người cho giác mạc thường ở độ tuổi 8 – 70 vì lúc đó chất lượng giác mạc còn tốt. Tuy nhiên, đã có trường hợp người hiến là một cháu bé 6 tuổi bị tai nạn giao thông và cả trường hợp trên 100 tuổi cũng hiến giác mạc.

Ông Hoàng cũng chia sẻ: “Giác mạc hiến tặng phải được lấy trong khoảng từ 6 - 8 giờ sau khi người hiến qua đời. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (khoảng 25-30 phút). Kỹ thuật viên chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước lòng đen nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khuôn mặt người hiến. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp không ít những khó khăn từ phía gia đình người hiến, có khi chỉ cần một người không đồng ý cũng không thể lấy giác mạc. Nhiều trường hợp đến lấy giác mạc, ngoài thân nhân của người hiến, còn có xóm giềng tới để xem việc lấy giác mạc có kinh khủng lắm không. Mọi cử động của kỹ thuật viên, từ lúc đeo găng tay, lấy dụng cụ, nhất là thao tác bóc tách lớp giác mạc trên đôi mắt người hiến đều được hàng mấy chục con mắt đổ dồn nhìn theo”. Đó là một áp lực và cũng là trách nhiệm khiến mỗi cán bộ Ngân hàng Mắt luôn nâng niu, bảo quản, giữ gìn cẩn thận khi đến thu nhận những giác mạc hiến tặng.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc. Mỗi năm, con số đó lại tăng lên. Tính riêng tại BV Mắt TW, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc đã lên tới hàng nghìn người nhưng mỗi năm, cả nguồn viện trợ từ nước ngoài và hiến trong nước chỉ có khoảng 150 -180 giác mạc. Vẫn cần lắm những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc để những người mù có cơ hội tìm lại ánh sáng.

Mai Linh

 

 


Ý kiến của bạn