Viên nang đóng vỉ
Là dạng thuốc hay gặp nhất trên thị trường và được dùng phổ biến trong cộng đồng vì đây là dạng thuốc dễ bảo quản, người bệnh tự sử dụng theo hướng dẫn của thầy thuốc, không cần có sự hỗ trợ của các dụng cụ y tế khác như thuốc tiêm. Viên nang có thể là nang rắn hay mềm được phân liều chính xác và được bào chế dưới dạng thích hợp (dung dịch, bột, hạt) đựng trong vỏ nang làm bằng gelatin hay tinh bột. Với dạng bào chế này, thuốc có thể che giấu được mùi vị khó chịu, làm cho thuốc dễ uống, tránh được các tác động bên ngoài, bảo vệ thuốc không bị dịch vị phá hủy. Vì vậy, không nên nhai để tránh làm hỏng vỏ nang, không tách bỏ vỏ nang để lấy phần dược chất bên trong để uống. Riêng đối với người lớn tuổi, phản xạ nuốt có thể giảm và có hiện tượng giảm tiết nên khi uống người bệnh có thể ngậm viên thuốc trong miệng để làm mềm vỏ nang rồi nuốt với nước nhằm tránh hiện tượng thuốc dính ở thực quản. Người ta thường đựng viên thuốc trong vỉ thiếc hoặc lọ thủy tinh, lọ nhựa... Việc sắp xếp viên thuốc thẳng hàng hoặc nằm chéo trên vỉ, số lượng viên trong mỗi vỉ thuốc cũng đã được nghiên cứu rất kỹ để tiện lợi cho việc sử dụng theo liệu trình điều trị của người bệnh. Ta thấy có những vỉ thuốc có 1, 2, 5 viên, 10 viên, 12 viên, 30 viên hoặc nhiều hơn nữa là để phù hợp với từng loại thuốc. Số viên thuốc trên vỉ hoặc trong lọ không nhất thiết phải chẵn chục. Chẳng hạn như thuốc chữa viêm loét dạ dày tá tràng có những phác đồ điều trị 14 ngày nên số thuốc thường là 14 hoặc 28 tùy theo từng loại. Một dược sĩ làm công nghiệp dược đã đề xuất đóng vỉ 12 viên thay vì đóng 10 viên/vỉ mặc dù phải chi thêm kinh phí để cải tiến dây chuyền sản xuất. Như vậy, vỉ 12 viên sẽ dùng chẵn cho 3 ngày (4 viên/ngày) giúp bệnh nhân dễ phân liều và khỏi quên thuốc.
Thuốc viên có nhiều màu sắc, kiểu dáng bắt mắt giúp người bệnh thân thiện hơn với thuốc.
Viên nén
Cũng là dạng thuốc chiếm số đông trên các quầy hàng, kệ thuốc ở các nhà thuốc hiện nay. Có nhiều hình dạng, kích thước cho mỗi dạng thuốc viên nén; có thể được điều chế bằng cách nén một hay nhiều dược chất. Mỗi viên nén là một đơn vị liều, do đó rất dễ sử dụng, dễ vận chuyển và dễ bảo quản. Tốt nhất nên uống với nhiều nước (nước đun sôi để nguội, khoảng 200ml, tức là một ly to). Tuy nhiên, viên nén có tác dụng chậm hơn thuốc tiêm, khó uống đối với trẻ em, người lớn tuổi, người đang bị hôn mê. Người ta thường bao bọc viên nén bằng một lớp màng thích hợp nhằm mục đích che giấu mùi vị khó chịu của dược chất, tránh được các tác động bên ngoài, bảo vệ thuốc không bị dịch vị phá hủy, hay kiểm soát sự giải phóng dược chất (giúp giải phóng thuốc chậm). Viên ngậm thường được dùng để sát khuẩn, chống viêm trong khoang miệng. Dược chất được phóng thích từ từ. Viên ngậm dưới lưỡi thường được dùng khi cần tác dụng nhanh của thuốc hoặc tránh sự phân hủy ở dịch vị và ở gan. Dược chất phải được phóng thích nhanh và nhanh chóng cho tác dụng toàn thân.
Viên sủi
Là một trong những dạng viên pha dung dịch hay hỗn dịch dùng để uống hoặc dùng ngoài với ưu điểm là rất thích hợp cho những người khó nuốt viên nén, giảm kích ứng niêm mạc cho một số dược chất, tăng sinh khả dụng cho một số viên nén, che giấu mùi vị. Nhưng viên sủi bọt phải được điều chế và bảo quản trong điều kiện tránh ẩm do chứa một lượng muối kiềm khá lớn (natri carbonat, natri hydrocarbonat, kali carbonat) nên không dùng viên sủi cho người kiêng muối. Một số trường hợp viên sủi gây kiềm hóa máu làm ảnh hưởng đến hấp thu một số chất. Với người bị tăng huyết áp có thể vẫn dùng thuốc viên sủi được nếu sử dụng muối tạo khí là KHCO3, vì kali trong máu có vai trò hạ áp. Mặt khác, acid sử dụng là vitamin C (acid ascorbic) để tạo khí có vai trò làm bền vững thành mạch, ổn định huyết áp. Hai loại tá dược: KHCO3 và ascorbic được sử dụng nhiều trong bào chế viên sủi cho người tăng huyết áp. Viên sủi bọt thường có kích thước khá lớn vì không phải để uống trực tiếp vào miệng mà phải pha thành dung dịch rồi mới uống. Các kệ hàng dược phẩm thường bày các týp tròn mỗi lọ có 10-20 viên sủi và bán không cần đơn. Cũng lưu ý các nhà thuốc, quầy thuốc chú ý cảnh giác vì với những lọ viên sủi này thường hay để trên mặt quầy thuốc như một hình thức quảng cáo đôi khi lại gây tò mò cho những người mua thuốc. Họ có thể tiện tay cầm xem và bóc mở nắp hộp nhiều lần ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
ThS. Quốc Anh