Trẻ ngộ độc vì quả rừng: Không hiếm
Theo các chuyên gia, thực phẩm có độc tố tự nhiên là loại thực phẩm có các chất độc trong đó. Các loại thực phẩm này được chia thành hai loại: Thực phẩm có nguồn gốc động vật (như cá nóc, bạch tuộc xanh, cóc, nhuyễn thể, mật cá...) và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (như nấm độc, khoai tây mọc mầm, măng và sắn độc, đậu, lạc mốc, hạnh nhân đắng...).
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang, trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra liên tiếp 5 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên, với 18 người mắc, 3 người tử vong. Trong đó, tại huyện Hoàng Su Phì xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm, huyện Mèo Vạc 2 vụ ngộ độc quả hồng trâu, huyện Đồng Văn 1 vụ ngộ độc quả hồng trâu. Như vậy, so với các năm trước, tỷ lệ ngộ độc quả rừng có chiều hướng gia tăng, tập trung ở lứa tuổi học sinh từ 4-12 tuổi.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang chủ động phối hợp triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
Riêng tại một số huyện thường xảy ra các vụ ngộ độc quả rừng như: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, các cán bộ Trung tâm Y tế đã có các bài tuyên truyền bằng ngôn ngữ phổ thông được dịch sang tiếng Mông, đến trực tiếp các điểm trường, cùng các thầy cô giáo tuyên truyền đến các cháu học sinh, đồng thời đến tận nương rẫy, thôn, bản tuyên truyền trực tiếp cho người dân về cách nhận biết và phòng tránh ngộ độc do độc tố tự nhiên như: nấm độc, ngô mốc, các loại quả rừng (quả hồng trâu, quả chí chụa, quả mắc rạc, quả mỡ…) để giảm thiểu các vụ ngộ độc.
Cách đây vài tuần, Bệnh viện Nhi TW cũng đã tiếp nhận 8 trẻ (từ 9-13 tuổi, ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) bị ngộ độc do ăn quả hồng trâu trên đường đi học về. Một trẻ cùng nhóm học sinh này cũng ăn quả hồng trâu, do diễn biến bệnh nhanh, nặng và cấp tính nên đã tử vong trước khi được chuyển tới Bệnh viện Nhi TW.
Chủ động lựa chọn sản phẩm an toàn để tránh thành nạn nhân của ngộ độc thực phẩm
Theo số liệu thống kê năm 2020, toàn quốc đã ghi nhận 49 vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong một số loài thực vật, động vật (như nấm, cóc, sò biển, cá nóc, cá hồng, ốc biển, sắn, rau muống biển, rau rừng,..) làm nhiều người mắc, 26 người tử vong.
Trong đó, đáng chú ý có 23 vụ ngộ độc thực phẩm do nấm độc, làm 90 người mắc và 14 người tử vong xảy ra tại các tỉnh miền núi và Tây Nguyên.
Các chuyên gia cho biết, thực phẩm có độc tố tự nhiên là loại thực phẩm bản thân có sẵn các chất độc. Các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên được chia làm hai loại: Thực phẩm có nguồn gốc động vật (như cá nóc, bạch tuộc xanh, cóc, nhuyễn thể, mật cá...) và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (như nấm độc, khoai tây mọc mầm, măng và sắn độc, đậu, lạc mốc, hạnh nhân đắng...).
Tuy nhiên, tùy loại thực phẩm và lượng tiêu thụ cũng như cách chế biến mà người ăn có thể bị ngộ độc và biểu hiện với các mức độ khác nhau như: Buồn nôn, nôn, rối loạn cảm giác, vận động, co giật, hôn mê hoặc mạch nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, tím tái, khó thở, ngừng thở... Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên thường liên quan đến tính chất địa lý, mùa vụ khai thác, thu hái thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể gây tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo ngay khi phát hiện các ca ngộ độc, cần vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để bệnh nhân đi bộ) đến cơ sở y tế gần nhất;
Bệnh nhân cần được gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, uống than hoạt tính với liều 1-2 g/kg thể trọng kèm theo 4-6 gói sorbitol (nếu không có thể cho uống lòng trắng trứng), tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim, trợ hô hấp, chống co giật, chống phù phổi cấp), xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn những thực phẩm an toàn hoặc biết cách chế biến, loại trừ chất độc trước khi ăn.
Một số khuyến cáo để phòng ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên thường gặp gồm:
- Không ăn cá nóc, bạch tuộc dưới bất kỳ hình thức chế biến nào kể cả đã đun chín, phơi khô, sấy, làm mắm…
- Không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc; Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.
- Không uống mật cá. Mật cá trắm được truyền miệng có tác dụng tăng cường sức khỏe. Thực tế trong mật cá trắm có chất độc có thể gây suy gan và suy thận cấp.
- Cóc hay được dùng làm thực phẩm bồi dưỡng cho người già và trẻ em, nhưng nhựa cóc, gan, mật cóc có độc tố rất mạnh, do đó ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và các sản phẩm chế biến từ cóc.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại cây, củ, con vật lạ để ngâm rượu...
6 biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19