Để không còn tình trạng người ăn xin

13-01-2020 07:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Cứ vào dịp cuối năm và gần Tết Nguyên đán là tình trạng người ăn xin từ các tỉnh đổ về Hà Nội rất đông.

Nếu như thường ngày, Hà Nội đã có nhiều người hành nghề ăn xin, thì dịp này số lượng người ăn xin càng tăng lên, khiến hình ảnh Hà Nội, thủ đô văn hiến bị nhếch nhác hơn rất nhiều. Người hành nghề ăn xin không chỉ làm mất mỹ quan mà còn làm phiền mọi người, phiền lòng khách du lịch, khi mà họ thường lẽo đẽo đeo bám theo khách.

Ở bất cứ nơi nào trên phố cổ, không gian phố đi bộ Hồ Gươm, bến xe, nhà ga, trạm xe buýt hay các địa điểm công cộng nào, đều có thể bắt gặp hình ảnh của những người ăn xin. Điển hình như quanh trạm trung chuyển xe buýt Long Biên luôn có cả chục người ăn xin tụ tập, hay như ở Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Giáp Bát, Ga Hà Nội... cũng có hàng chục đối tượng ăn xin. Các địa điểm có nhiều khách du lịch nước ngoài như: Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh... thì lượng người ăn xin đứng ở cổng ra vào cũng không ít. Người ăn xin thuộc đủ lứa tuổi, nhưng đông hơn cả là trẻ em và người già. Tại các nút giao như Ngã Tư Sở - Đường Láng; Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; Lê Duẩn - Khâm Thiên; Dương Đình Nghệ - Phạm Văn Bạch... thường có người ăn xin ngồi vạ vật ở vỉa hè, đợi các phương tiện dừng đèn đỏ thì ngả mũ, nón để xin tiền. Đặc biệt, đằng sau hành động đó là sự giám sát của các đối tượng bảo kê, làm ăn có tổ chức từ nghề xin tiền. Khi bị tra hỏi, người ăn xin nhất quyết không khai báo đối tượng bảo kê đằng sau.

Theo đánh giá của các đơn vị bảo trợ xã hội, nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại nhóm bảo kê là do tâm lý “lá lành đùm lá rách” của người dân luôn thương người ăn xin, khiến các đối tượng xem đó như một nghề kiếm tiền. Ngoài ra, những hành vi này mới chỉ xử phạt hành chính, từ 10 triệu đến 15 triệu đồng tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Mức phạt này quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Trong khi đó, các đối tượng hoạt động rất tinh vi, thường thuê người đứng trước cổng các trung tâm bảo trợ xã hội, theo dõi hành trình hoạt động của các đội trật tự xã hội lưu động, thông báo cho nhóm bảo kê di tản người ăn xin. Các đối tượng cũng thuê người theo dõi lịch trả người ăn xin về địa phương hoặc đến thăm gặp tại trung tâm bảo trợ xã hội để đưa họ trở lại hành nghề.

Để Thủ đô đẹp hơn, yên bình hơn và khách du lịch không còn cảm thấy bị quấy rầy, mong lực lượng chức năng ở Hà Nội thường xuyên kiểm tra, tiến tới xóa bỏ hẳn tình trạng người ăn xin. Các cơ quan ban, ngành cũng cần có kế hoạch tập hợp và đưa những người lang thang cơ nhỡ, thực sự không có nơi nương tựa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở nuôi dưỡng nhân đạo để họ có điều kiện sinh sống, không còn phải hành nghề ăn xin nữa. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, 9 tháng năm 2019 có gần 570 lượt người lang thang xin tiền (người ăn xin) trên đường phố được tập trung về trung tâm bảo trợ xã hội.

Để chấm dứt tình trạng người xin tiền trên phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn gửi Công an thành phố Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường kiểm tra, phối hợp giải quyết. Để giải quyết vấn nạn này, bà Dương Tuyết Nhung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, Sở đã có công văn đề nghị Công an thành phố chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng bảo kê sử dụng người lang thang xin tiền có tính chất tổ chức chuyên nghiệp. Hiện Công an thành phố đang trong quá trình điều tra các nhóm bảo kê và sẽ sớm đưa ra phương án xử lý. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị UBND các phường, xã, thị trấn chủ động hơn nữa trong công tác phát hiện và xây dựng kế hoạch để giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang xin tiền. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị gia đình các đối tượng yếu thế quan tâm nhiều hơn đến người thân; chính quyền các địa phương tăng cường giải pháp trợ giúp đối tượng yếu thế ngay tại gia đình, cộng đồng.

Theo Trung tâm Bảo trợ xã hội 1, đơn vị đã thu thập, cung cấp thông tin của nạn nhân cho lực lượng công an để làm căn cứ điều tra các nhóm bảo kê. Nhưng giải pháp tốt nhất hiện nay là người dân hãy làm từ thiện đúng nơi, đúng chỗ với những việc làm ý nghĩa. Nhiều quận đã tuyên truyền, kêu gọi người dân dừng ngay hành động cho tiền người ăn xin, vì làm như vậy đối tượng bảo kê sẽ vẫn có “đất sống” và đồng tiền mình đem cho với tấm lòng chia sẻ khó khăn đã bị người khác trục lợi.


THANH HÒA
Ý kiến của bạn