Để không có trẻ nào bị bỏ lại phía sau trong chăm sóc sức khỏe răng miệng

01-06-2020 09:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Trẻ em là mầm non, là chủ nhân tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi việc làm của xã hội đều hướng tới khẩu hiệu: “Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”.

Nhân Tháng hành động vì trẻ em, phóng viên Báo Sức khỏe& Đời sống có cuộc gặp  gỡ trao đổi với TTƯT. PGS.TS Trần Cao Bính- Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương HN về công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng nói chung, công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em nói riêng.

Để không có trẻ nào bị bỏ lại phía sau trong chăm sóc sức khỏe răng miệng

TTƯT. PGS.TS. Trần Cao Bính Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội.

Phóng viên (PV): PGS có thể chia sẻ những điểm mới của công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng trẻ em trong khuôn khổ Chương trình Tháng hành động vì trẻ em năm nay?

TTƯT. PGS.TS Trần Cao Bính (PGS.TS TCB): Đối với trẻ khi đến Bệnh viện để chăm sóc răng miệng trong tháng 6 này sẽ được khám, tư vấn miễn phí và khi phải điều trị bằng những thủ thuật  đơn giản thì sẽ được miễn phí hoàn toàn. Với những trẻ có khe hở môi- vòm miệng đến bệnh viện sẽ được kiểm tra sức khỏe, nếu đủ điều kiện cân nặng và những yếu tố cần thiết sẽ được sắp xếp lịch mổ sớm và được miễn phí hoàn toàn.

Điểm mới của Chương trình Tháng hành động vì trẻ em năm nay, là:

1. Tập trung tuyên truyền giáo dục cho bố mẹ hiểu được về hiệu quả và tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng hàng ngày, đúng cách, như: số lần đánh răng, đánh răng khi nào, thời gian đánh răng tối thiểu bao nhiêu lâu, phương pháp đánh răng và đánh vào những vị trí nào của răng.

2. Tư vấn và tuyên truyền cho trẻ ăn chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, hợp lý, khoa học.

3. Khám và kiểm tra răng miệng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng của trẻ.

PV: Theo PGS, chúng ta cần làm gì để giúp trẻ có sức khỏe răng miệng tốt hơn?

TTƯT.PGS.TS. TCB: Để giúp trẻ có bộ răng chắc khỏe, chúng ta cần phải:

- Trang bị cho bố mẹ kiến thức và hướng dẫn cho trẻ cách tự chăm sóc răng miệng hàng ngày đúng cách. Bởi chăm sóc răng miệng là một trong những biện pháp thiết thực của chăm sóc sức khỏe ban đầu.

- Phát hiện sâu răng sớm, điều trị kịp thời. Khi phát hiện sớm các bệnh lý nói chung, bệnh răng miệng nói riêng thì việc điều trị bao giờ cũng dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn và ít tốn kém hơn so với việc đến khám muộn, để bệnh nặng việc chữa trị sẽ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và kéo theo tất nhiên là chi phí cũng tăng lên rất nhiều. Đấy là chưa kể có những bệnh do để lâu, đến khám muộn bệnh không chữa khỏi hẳn được, chỉ khắc phục được phần nào, người bệnh phải sống chung suốt đời với bệnh lý đó…, trong các bệnh lý răng miệng cũng không nằm ngoài quy luật đó.

- Khám răng miệng định kỳ. Việc khám răng miệng định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các tổn thương ở răng miệng, từ đó có hướng điều trị và xử lý sớm các thương tổn phục hồi tối đa được chức năng, thẩm mỹ.

PV: Trong các chương trình nhân tháng hành động vì trẻ em có chương trình khám chữa bệnh miễn phí, phẫu thuật nhân đạo cho trẻ có các dị tật khe hở môi -vòm miệng đã tạo được nhiều dấu ấn cho xã hội. Xin PGS cho biết một số kết quả nổi bật của Chương trình này trong thời gian qua?

TTƯT.PGS.TS. TCB: Dấu ấn nổi bật của chương trình khám chữa bệnh miễn phí, phẫu thuật nhân đạo cho trẻ có các dị tật khe hở môi... trong thời gian qua chính là: Bệnh viện trong nhiều chục năm qua đã phẫu thuật miễn phí cho hàng trăm ngàn cháu bị dị tật khe hở môi- vòm miệng, giúp trẻ có nụ cười tự tin, hòa nhập với cộng đồng. Nhưng việc phẫu thuật khe hở môi- vòm miệng chỉ là một khâu trong việc điều trị toàn diện khe hở môi- vòm miệng. Nhiều kết quả nổi bật của chương trình trong thời gian qua như: tuyên truyền, giáo dục phòng và điều trị toàn diện khe hở môi- vòm miệng từ khi bà mẹ mang thai, phát hiện sàng lọc dị tật trước sinh, điều trị sớm không phẫu thuật trẻ khe hở môi- vòm miệng bằng các khí cụ chỉnh nha, phẫu thuật khe hở môi- vòm miệng, với phương pháp ngữ âm trị liệu, nắn chỉnh răng, ghép xương khe hở cung hàm và phẫu thuật chỉnh hình xương hàm khi đến tuổi trưởng thành... Đó chính là những điểm nhấn của Chương trình mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình Việt Nam.

Để không có trẻ nào bị bỏ lại phía sau trong chăm sóc sức khỏe răng miệngTTƯT. PGS.TS. Trần Cao Bính đang khám răng định kỳ cho trẻ.

PV: Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác này, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc các dị tật vùng hàm mặt ở vùng sâu, vùng xa chưa được khám và điều trị. Vậy theo PGS chúng ta cần có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

TTƯT. PGS.TS. TCB: Thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước không để ai bị bỏ lại phía sau, đối với trẻ em mắc dị tật vùng hàm mặt ở các vùng sâu, vùng xa chúng tôi cũng tìm cách đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về dự phòng và kết quả điều trị các dị tật vùng hàm mặt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác tăng cường công tác bảo hiểm toàn dân, để mọi người dân đều được thụ hưởng chính sách y tế và thành tựu khoa học y tế nói chung và trẻ em bị dị tật vùng hàm mặt nói riêng. Những trường hợp hiện nay không có BHYT, BV RHMTƯHN có chương trình phẫu thuật nhân đạo miễn phí và cấp kinh phí đi lại cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt.

PV: PGS có lời khuyên gì trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho cộng đồng nói chung, sức khỏe răng miệng cho trẻ em nói riêng?

TTƯT. PGS.TS TCB: Nhân tháng hành động vì trẻ em, chúng tôi mong rằng mọi người hãy quan tâm hơn nữa việc chăm sóc răng miệng cho bản thân và người thân trong gia đình: giáo dục việc tự chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách, đúng phương pháp là chính và đây được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho cộng đồng nói chung, sức khỏe răng miệng cho trẻ em nói riêng; Riêng đối với trẻ em tuổi học đường, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo củng cố và thực hiện tốt nội dung thứ nhất trong bốn nội dung của chương trình nha học đường: Là 100% học sinh mẫu giáo và  tiểu học được giảng dạy kiến thức về tự chăm sóc răng miệng theo giáo trình có sự thống nhất và phối hợp giữa hai ngành y tế và giáo dục. Đây là một trong bốn nội dung của chương trình nha học đường, nếu làm tốt được điều này, chúng ta sẽ có một thế hệ người Việt Nam có hàm răng chắc, khỏe, không bị sâu răng; Cần phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng nói chung như: sâu răng, viêm lợi, viêm quanh răng và lệch lạc răng nói riêng;  Nên có kế hoạch khám răng miệng định kỳ 6 tháng 1 lần.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!


Bùi Nguyệt (Thực hiện)
Ý kiến của bạn