Viêm khớp dạng thấp, hay còn gọi là RA, là một dạng viêm, đau ảnh hưởng tới các khớp xương. Theo kết quả của một số cuộc nghiên cứu, bị mắc viêm khớp dạng thấp cũng có nghĩa là bạn sẽ tăng gần gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Một cuộc nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Clinical and Experimental Rheumatology cho thấy, có một cách để giảm thiểu nguy cơ đối với một số người. Theo các nhà nghiên cứu, những người mới chớm được chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp sử dụng dòng thuốc methotrexate (Rheumatrex, Trexall) được kê đơn không có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch trong giai đoạn nghiên cứu 8 năm so với dân số nói chung. Họ theo dõi gần 15,000 người được chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp từ giữa năm 2000 và 2007 tại Phần Lan. Những người chữa bệnh theo phác đồ glucocorticoids, hay còn được biết đến như steroids, đối mặt với nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn.
Một nghiên cứu mới “nêu bật tầm quan trọng của việc điều trị”, bác sỹ y khoa T.Jared Bunch, giám đốc nghiên cứu nhịp tim tại Viện Tim mạch ở Murray, Utah, phát biểu. Trong nhiều năm, phác đồ điều trị chính cho bệnh viêm khớp dạng thấp là sử dụng steroids. Steroids làm giảm tình trạng viêm một cách nhanh chóng, tiến sĩ Bunch nói, nhưng nó cũng đưa người bệnh phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh béo phì, loãng xương, và tiểu đường.
Kiểm soát cân nặng, lựa chọn thực phẩm lành mạnh và nói không với thuốc lá là chìa khóa bảo vệ tim mạch khỏi bệnh viêm khớp
Nghiên cứu khác cũng tiếp tục cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng trên toàn bộ bệnh nhân RA. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã đánh giá gần 10,000 phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp và phát hiện thấy họ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 1.5 tới 2.5 lần.
Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng xuất hiện khi bị bệnh viêm cột sống dính khớp – một loại viêm khớp ảnh hưởng chủ yếu tới cột sống và lưng – cũng như bệnh viêm khớp vảy nến. Các nhà nghiên cứu Canada phát hiện thấy bệnh viêm cột sống dính khớp là nguyên nhân gây tăng nguy cơ bệnh tim mạch từ 25% tới 60%, đặc biệt ở những người có độ tuổi từ 20 tới 39. Trong một nghiên cứu khác thực hiện trên gần 200 người bị viêm khớp vảy nến, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các bệnh viêm khớp có liên quan tới bệnh tim mạch ngay cả ở trong những giai đoạn đầu của bệnh.
Dù cho phải đối mặt với nguy cơ gia tăng nếu bị viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, hay viêm khớp vảy nến, bạn vẫn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ bị mắc bệnh tim. Bên cạnh việc sử dụng thuốc đã được đổi theo chỉ định của bác sỹ, bạn có thể:
1. Giảm trọng lượng dư thừa
Các chuyên gia chỉ ra rằng, những người bị viêm khớp dạng thấp và các loại viêm khớp khác nên đặt mục tiêu hướng tới chỉ số khối cơ thể BMI thậm chí thấp hơn những người khác, Goodman nói. (Thông thường, BMI bằng 25 được gọi là thừa cân. Bạn có thể tự tính chỉ số BMI của mình). Tuy nhiên, để đạt được chỉ số BMI dưới 25, đối với một số người, là rất khó. Vì vậy, thay vì tập trung vào một trọng lượng dường như khó đạt được đó, Mahsa Tehrani, bác sỹ y khoa, chuyên gia khoa thấp khớp, khuyến cáo các bệnh nhân chỉ nên cố gắng đạt tới một trọng lượng khỏe mạnh hơn.
2. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Tehrani khuyên bệnh nhân tập trung vào các loại trái cây, rau xanh và thực phẩm hữu cơ tự nhiên.
3. Nói “không” với thuốc lá
“Hút thuốc là một vấn đề lớn đối với RA”, Goodman nói, bởi vì nó làm gia tăng chứng sưng viêm.
4. Chú ý mức cholesterol
Hãy hỏi bác sỹ về mức cholesterol an toàn nhất cho bạn và nghe theo tư vấn nên làm thế nào để đạt được hay duy trì chúng ở mức độ lành mạnh.
5. Kiểm soát mức đường huyết
Kiểm soát đường huyết tốt, theo tiến sĩ Bunch, giúp phòng tránh bệnh tiểu đường, một căn bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
6. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bệnh tim
Các dấu hiệu cảnh báo, như đau ngực, nhưng cần lưu ý rằng, đôi khi bệnh tim diễn biến rất thầm lặng mà không có bất cứ một triệu chứng nào, Tiến sĩ Goodman khuyến cáo. Điều đó càng khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát mức cholesterol trong máu và các biện pháp khác để luôn duy trì một trái tim khỏe mạnh.
Phạm Thảo (theo Everyday Health)