Đề kháng kháng sinh

15-12-2016 10:23 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Kháng sinh được thầy thuốc kê toa cho bệnh nhân để điều trị và phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng.

Kháng sinh được thầy thuốc kê toa cho bệnh nhân để điều trị và phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. Vi khuẩn bị kháng sinh tiêu diệt hay kìm hãm được gọi là vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh, ngược lại là hiện tượng đề kháng kháng sinh.

Kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy ngay cả ở những nước phát triển, như: Mỹ, Hà Lan, tỉ lệ sử dụng kháng sinh không hợp lý là khá cao, vào khoảng 25 - 50%. Còn ở các nước đang phát triển, tỉ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp cao hơn nhiều, chẳng hạn tỉ lệ sử dụng kháng sinh bừa bãi gây kháng thuốc ở Nigeria lên đến 88%, tại Indonesia là 79%. Theo Bộ Y tế Việt Nam thì đối với vi khuẩn A.baumani tỉ lệ kháng carbapenem là 79%. Còn vi khuẩn Klebsiella, E.coli tỉ lệ kháng với ceftazidime lần lượt là 64,3% và 58,4%.

Hậu quả là vi khuẩn gây bệnh vẫn tồn tại và phát triển, ngay cả khi kháng sinh được dùng với liều rất cao so với liều điều trị thông thường.

Có 2 loại đề kháng kháng sinh:

Đề kháng tự nhiên: thuộc tính di truyền của vi khuẩn. Tất cả vi khuẩn của một chủng nào đó đều đề kháng với một hay một vài kháng sinh nhất định, do đặc điểm cấu tạo hay do khả năng biến dưỡng của nó. Chẳng hạn khuẩn Streptococcus đề kháng tự nhiên với phân nhóm kháng sinh Aminoglycosid do thành của vi khuẩn này không cho kháng sinh đi qua.

Đề kháng tiếp nhận: bình thường vi khuẩn gây bệnh nhạy cảm với kháng sinh, nhưng vì một lý do nào đó như tia xạ hóa chất, gây đột biến nhiễm sắc thể làm vi khuẩn không còn nhạy cảm với kháng sinh đó nữa. Loại này ít xảy ra và mang tính tự phát. Hoặc do vi khuẩn tiếp nhận gen đề kháng kháng sinh từ bên ngoài bởi thể thực khuẩn (phage) hay do sự tiếp xúc giữa các vi khuẩn với nhau.

Đề kháng kháng sinh

Để thực hiện được vai trò khống chế vi khuẩn của mình, kháng sinh cần phải tìm mọi cách gắn dính vào vi khuẩn qua một điểm gắn đặc hiệu gọi là thụ thể, tạo thành liên kết vi khuẩn - kháng sinh, rồi luồn lách để lọt qua hàng phòng vệ vững chắc thành tế bào vi khuẩn, và quan trọng bậc nhất là kháng sinh đó không bị phân hủy bởi các men do vi khuẩn tiết ra hay do các phản ứng sinh hóa của chính cơ thể người dùng thuốc.

Những cách vi khuẩn tự vệ để có thể tồn tại

Cách thông thường nhất là phá vỡ cấu trúc, làm mất hoạt tính của kháng sinh. Ví dụ: đối với kháng sinh có vòng bêta-lactam, vi khuẩn tiết ra men bêta-lactamase phá vỡ vòng này làm kháng sinh không còn tác dụng nữa. Để khắc phục hiện tượng này, các hãng sản xuất dược phẩm đã phối hợp một kháng sinh có vòng này với một chất có tác dụng ức chế men bêta-lactamase, chẳng hạn như amoxicillin với axít clavulanic(Augmentin) hoặc ampicillin với sulbactam (Unasyn).

Làm thay đổi điểm gắn kết khiến kháng sinh không nhận diện được, từ đó kháng sinh bị vô hiệu hóa.

Giảm tính thấm của thành tế bào, do đó kháng sinh không thể lọt vào bên trong được nên không thể phát huy tác dụng.

Hiện nay, vi khuẩn đề kháng với kháng sinh ngày càng gia tăng, nguyên nhân là do sử dụng kháng sinh bừa bãi, tùy tiện. Bất cứ bệnh gì từ sốt, đau đầu đến ho chảy mũi… người bệnh đều tự ý dùng kháng sinh, dù chưa biết nguyên nhân gây bệnh là gì và dùng quá thường xuyên, dùng kháng sinh quen thuộc. Hậu quả là vi khuẩn quen dần với kháng sinh, làm vi khuẩn có sức đề kháng với kháng sinh. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác nữa là do sự tiếp xúc giữa những người bị nhiễm trùng(nhiễm trùng chéo), dẫn đến tình trạng là có những người bị đề kháng với những kháng sinh mà mình chưa dùng bao giờ, gọi là đề kháng chéo.

Để giảm tình trạng đề kháng kháng sinh ngày một gia tăng như hiện nay, khi bị nhiễm trùng thì phải dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc, không nên tự ý dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, theo sự mách bảo của người khác. Có như vậy sẽ giảm hiện tượng đề kháng kháng sinh.

Đề kháng kháng sinh


BS. NGÔ VĂN TUẤN
Ý kiến của bạn