Ngày 10/10, báo điện tử suckhoedoisong.vn tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tiếp với chủ đề “Bí quyết để hệ hô hấp luôn khỏe lúc giao mùa” với sự tham gia của TS.BS. Chu Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai.
Trong hai giờ đồng hồ, TS. Chu Thị Hạnh đã giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc làm sao để hệ hô hấp luôn khỏe, tránh những nguy cơ bệnh tật khi thời tiết chuyển mùa. Đồng thời, TS. Hạnh cũng cung cấp nhiều thông tin bổ ích, tư vấn cho từng trường hợp bệnh nhân hướng điều trị cụ thể. Buổi tư vấn truyền hình trực tiếp được đăng tải trên báo điện tử suckhoedoisong.vn, trang tin songkhoe.vn và Youtube.
Rất nhiều câu hỏi đã được gửi đến trước, trong và sau thời gian diễn ra buổi tư vấn truyền hình trực tiếp. Độc giả ở số điện thoại 0984888xxx băn khoăn: “Tôi hút thuốc lá từ khi còn thanh niên đến nay được khoảng 20 năm. Hiện tôi đã bỏ nhưng tôi thường xuyên bị ho khan khi thời tiết thay đổi, như vậy có ảnh hưởng gì tới phổi không?”. TS. Hạnh cho rằng, bỏ hút thuốc lá là việc đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, do bạn đã từng hút thuốc lá rất nhiều và lâu, có những triệu chứng ho khan thì nên đi khám hô hấp. Thuốc lá chứa nhiều chất gây độc cơ thể, 25 bệnh như ung thư, bệnh mạn tính hô hấp… Do đó, bạn phải đến khám chuyên khoa để bác sĩ chụp Xquang phổi và các xét nghiệm cần thiết để tìm ra các bệnh. Ngày 8/11 sắp tới, BV Bạch Mai tổ chức khám, tư vấn miễn phí về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chủ yếu khám sàng lọc và phát hiện bệnh phổi... người dân có thể đến để đăng ký khám.
Chị Mai Thị Tuyên (25 tuổi, Ninh Bình) bị mất tiếng từ khi còn đi học cách đây 4 năm và thường xuyên có đờm. Sau khi đi khám, các bác sĩ cho biết chị bị hạt xơ dây thanh và đã uống thuốc điều trị nhưng hiện tại lại bị đau rát do viêm amidan. Chị Tuyên lo lắng, liệu cùng lúc bị như vậy thì phải điều trị như thế nào? TS. Hạnh tư vấn: “Một lúc chị có thể bị cả hai bệnh. Hạt xuyên dây thanh muốn giải quyết triệt để phải nội soi, kết hợp bản thân chị phải điều chỉnh việc nói, hạn chế nói to, không nên hét hay nói nhiều cùng một lúc. Khi bị viêm amidan thường hay đau, sốt, nên súc miệng nước muối ấm sau khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ, có khăn ấm che mũi mùa lạnh, không nên uống nước lạnh…”.
Thời tiết chuyển mùa có nhiều thay đổi thất thường khiến nhiều người có biểu hiện của bệnh viêm mũi dị ứng với các dấu hiệu chảy nước mũi và hắt hơi liên tục… TS. Hạnh khuyên, nếu ở mức độ nhẹ không gây phiền phức nhiều, chỉ hắt hơi, nghẹt mũi khi tiếp xúc với bụi thì người dân nên chủ động phòng tránh các yếu tố đó. Tránh nơi có thuốc lá, khói bụi, ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh bớt bụi hít phải sẽ gây viêm mũi và viêm họng, giữ ấm cơ thể, tắm nước ấm. Chú ý chế độ dinh dưỡng thích hợp, tránh thức ăn gây dị ứng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày, súc miệng thường xuyên bằng nước muối ấm, không nên pha quá đậm vì có thể làm hỏng niêm mạc miệng. Tốt nhất, người dân nên đi khám các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Trước câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Thị Hiên (Định Công, Hà Nội) về phương pháp chữa viêm xoang mũi dị ứng theo cách xông hơi bằng cây giao liệu có tác dụng chữa khỏi bệnh không? TS. Hạnh cho biết, bệnh này điều trị dứt điểm hoàn toàn thì khó. Người dân nên có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi điều trị. Ngoài ra có thể rửa mũi sâu với xi lanh hoặc dụng cụ rửa mũi, dùng một số loại thuốc, dung dịch xịt, các sản phẩm ức chế gây viêm dẫn đến viêm mũi dị ứng…
Với bệnh nhân hen phế quản, TS. Hạnh cho hay, đây là bệnh mạn tính đường hô hấp, gây ra bởi các yếu tố kích thích dị nguyên. Bệnh nhân không nên tự tìm thuốc điều trị, đặc biệt, với chị em có thai và cho con bú thì nên dành thời gian đến BV để bác sĩ tư vấn điều trị dự phòng. Bác sĩ sẽ tìm thuốc liều lượng thấp nhất để có thể điều trị mà không ảnh hưởng đến em bé đang bú mẹ.
Trẻ em là đối tượng cũng rất dễ mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết do khả năng miễn dịch vẫn còn yếu. Lo lắng cho sức khỏe của con em mình, nhiều bậc phụ huynh đã gửi câu hỏi đến TS. Hạnh tư vấn giúp. Chị Tuyết (Hà Nội) có hỏi: “Con tôi năm nay 3 tuổi, cháu hay bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Vừa rồi lại bị viêm tiểu phế quản phải điều trị mất 1 tuần. Xin hỏi bác sĩ bệnh này có hay tái phát và tư vấn giúp tôi cách phòng bệnh lúc giao mùa?”.
“Con chị hay bị viêm mũi cấp thì đó là nguyên nhân khởi phát tình trạng khởi phát viêm nhiễm đường hô hấp dưới. Để tránh bị viêm phế quản tái phát, phải điều trị triệt để nhiễm khuẩn tai mũi họng, rửa mũi và xịt mũi đúng cách, vệ sinh răng miệng; đảm bảo dinh dưỡng, có các hoạt động để thể lực tốt hơn; thời tiết giao mùa nên giữ ấm, quàng khăn mỏng ở cổ lúc ngủ ban đêm. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn phải được bác sĩ điều trị triệt để, tránh bị nhiễm khuẩn”, TS. Hạnh tư vấn.
Với những trẻ có các triệu chứng khò khè, có đờm thì cha mẹ nên cho bé kiểm tra tai mũi họng xem có bị amidan quá to hay không. Liệu cháu có bị hen phế quản hay không. Tốt nhất là nên cho cháu đi khám chuyên khoa nhi để bác sĩ phát hiện sớm…
Do Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, thời điểm dễ khiến người dân mắc các bệnh lý hô hấp thường là khi chuyển mùa thu sang đông, đông sang xuân, không khí lạnh và ẩm là điều kiện cho virut phát triển. Cơ thể con người chưa thích nghi ngay được với thay đổi nhiệt độ và độ ẩm, hệ miễn dịch kém rất dễ mắc bệnh. TS. Hạnh khuyến cáo, người dân cũng nên đi tiêm phòng cúm mùa do virut thường vào đầu mùa thu và đầu mùa xuân để phòng bệnh…
Mặc dù buổi tư vấn truyền hình trực tiếp đã kết thúc nhưng rất nhiều bạn đọc vẫn tiếp tục gửi câu hỏi về chương trình. Các bác sĩ sẽ tiếp tục giải đáp những băn khoăn của độc giả tại chuyên mục Phòng mạch online của báo Sức khỏe&Đời sống. Mời bạn đọc theo dõi!
Dương Hải