PV: Thưa ông sau một thời gian triển khai các hoạt động truyền thông giảm tiêu thụ muối để phòng, chống tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác, ông có thể chia sẻ về những kết quả đã đạt được bước đầu và những khó khăn trong công tác truyền thông giảm muối đến các địa phương, mà cụ thể là mỗi người dân?
TS Trần Quốc Bảo: Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi là một trong những biện pháp quan trọng nhất để góp phần giảm tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn của người dân. Thông tin, giáo dục, truyền thông về can thiệp giảm muối là nội dung mới ở Việt Nam bởi chúng ta mới chỉ triển khai hoạt động này khoảng vài năm trở lại đây.
Trong thời gian qua, hoạt động truyền thông đã mang lại hiệu quả bước đầu quan trọng, đó là từ việc hầu hết người dân không biết được tác hại đối với sức khoẻ do ăn thừa muối, nhưng đến nay thông qua các kênh truyền thông, rất nhiều người dân ở các địa phương đã được tiếp cận thông tin và có những nhận thức về việc ăn thừa muối có thể gây nguy cơ bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và một số bệnh không lây nhiễm khác.
Hoạt động truyền thông giảm muối cũng đã có những điểm mới, đó là bên cạnh truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng thì chúng tôi có những cách tiếp cận mới ví dụ như truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội (YouTube, Fanpage, Facebook…) thu hút lượng lớn người dân tiếp cận thông tin trên các góc độ khác nhau.
Đồng thời để tăng tính tương tác và hiệu quả, các thông điệp truyền thông giảm muối để phòng chống bệnh không lây nhiễm đã được gắn liền với các thông điệp phòng chống dịch bệnh COVI-19 vì đa số những người tử vong do COVID-19 đều có bệnh nền như béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư…
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông giảm muối cũng có một số khó khăn.
Thứ nhất là mặc dù đã bước đầu thay đổi được nhận thức của người dân nhưng từ nhận thức đến thay đổi hành vi vẫn cần có thời gian do thói quen ăn mặn- hay là ăn thừa muối là một thói quen ăn uống hàng ngày không dễ thay đổi trong "ngày một ngày hai", vì vậy cần có quá trình và những hoạt động truyền thông tiếp theo.
Thứ hai là hoạt động truyền thông giảm muối vẫn chưa được duy trì một cách thường xuyên, liên tục, chưa được đưa vào trong kế hoạch truyền thông hằng năm của nhiều địa phương…
PV: Các thông tin về tác hại của ăn thừa muối vẫn thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, ở một số người có thói quen ăn mặn, dù rõ ràng họ biết tác hại của việc ăn thừa muối nhưng họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi thói quen của mình. Ông có lời khuyên nào cho "lộ trình" giảm muối của những người này không?
TS Trần Quốc Bảo: Muối và các gia vị mặn có trong hầu hết các bữa ăn của người Việt từ xa xưa đến nay. Mọi người đều nêm, nếm muối, bột ngọt, bột canh, nước mắm … khi chế biến thực phẩm hoặc khi nấu ăn.
Nhiều gia đình luôn để sẵn nước mắm hoặc các gia vị mặn trên mâm cơ, bàn ăn để chấm, trộn trong khi ăn. Vì vậy để thay đổi thói quen, thay đổi hành vi sử dụng muối hàng ngày thì cần làm từng bước một vì chúng ta không thể giảm muối ngay được.
Do đó, thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải mỗi người là: hãy giảm muối từ từ, giảm dần dần để thích nghi.
Theo đó, mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác .
Để giảm lượng muối trong bữa ăn hằng ngày: trước hết hãy giảm lượng muối và gia vị mặn cho vào khi chế biến thức ăn; thứ hai hãy hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn; và cuối cùng cần hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm có nhiều muối mà tăng cường ăn rau xanh và thực phẩm tươi sống.
PV: Theo Ông bên cạnh ý thức giảm ăn mặn của mỗi cá nhân, có những yếu tố quan trọng nào khác giúp Việt Nam giảm thiểu tỷ lệ ăn mặn?
TS Trần Quốc Bảo: Truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân mặc dù rất quan trọng nhưng là chưa đủ. Cần phải có các biện pháp khác để hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm cho việc thay đổi hành vi của người dân một cách bền vững.
Thứ nhất cần xây dựng các chính sách trong đó có quy định về ghi nhãn dinh bắt buộc trên nhãn hàng hóa thực phẩm bao gói sẵn để công bố hàm lượng muối trong sản phẩm, lượng muối khuyến nghị tối đa/ngày cho một người, cảnh báo tác hại của ăn thừa muối và khuyến nghị việc ăn giảm muối. Như vậy sẽ giúp người dân biết và có cơ hội lựa chọn những thực phẩm giảm muối, có lợi cho sức khỏe.
Thứ hai là ban hành các hướng dẫn chuyên môn như hướng dẫn tư vấn về ăn giảm muối, hướng dẫn thực hành giảm muối trong khẩu phần ăn để phổ biến cho người dân và triển khai các hoạt động cho tuyến y tế cơ sở.
Thứ ba là cần có các giải pháp hợp tác, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm có nhiều muối để giảm muối trong thực phẩm, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để sử dụng muối giảm natri hoặc thay thế natri bằng kali…
Hiện nay một số quốc gia cũng đã ban hành quy định hàm lượng muối tối đa có trong một số thực phẩm chế biến sẵn để bắt buộc thực hiện.
Cuối cùng là đẩy mạnh triển khai các chương trình, mô hình bữa ăn giảm muối tại trường học, tại hộ gia đình và tại các cơ sở dịch vụ ăn uống để giúp mọi người dân được tiếp cận và có những bữa ăn giảm muối, dinh dưỡng hợp lý.
PV: Hiện nay, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan và tổ chức quốc tế để đẩy mạnh việc giảm tiêu thụ muối tại Việt Nam. Ông/Bà đánh giá thế nào về sự phối hợp này cũng như chia sẻ về các hoạt động truyền thông trong thời gian tới?
TS Trần Quốc Bảo: Các hoạt động can thiệp phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung, truyền thông giảm muối nói riêng đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới. Bên cạnh đó có sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Tổ chức Vital Strategies và nhiều tổ chức khác.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường triển khai Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2018-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 2033/QĐ-BYT, trong đó tập trung vào các hoạt động như truyền thông giáo dục sức khoẻ trên thông tin đại chúng và tại các địa phương; triển khai các can thiệp, chương trình giảm tiêu thụ muối tại cộng đồng; tiếp tục xây dựng ban hành các chính sách bảo đảm cho việc giảm tiêu thụ muối để chăm sóc sức khỏe người dân…
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!