Để dùng an toàn thuốc uống chống ngạt mũi

14-12-2016 15:43 | Dược
google news

SKĐS - Pseudoephedrine là thuốc được dùng theo đường uống để chống sung huyết mũi. Cụ thể, thuốc có tác dụng kích thích trực tiếp trên thụ thể alpha ở niêm mạc đường hô hấp gây co mạch,

Pseudoephedrine là thuốc được dùng theo đường uống để chống sung huyết mũi. Cụ thể, thuốc có tác dụng kích thích trực tiếp trên thụ thể alpha ở niêm mạc đường hô hấp gây co mạch, làm giảm các triệu chứng sung huyết, phù nề niêm mạc mũi, làm thông thoáng đường thở, tăng dẫn lưu dịch mũi xoang, vì thế mà làm giảm tạm thời các triệu chứng sung huyết mũi đi kèm với viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch hoặc viêm mũi cấp do cảm lạnh.

Thuốc có thể được dùng đơn độc hoặc phối hợp với một số thuốc khác như acetaminophen (hạ sốt, giảm đau), clorpheniramin (chống dị ứng), dextromethorphan (thuốc giảm ho)... để làm giảm bớt các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi do dị ứng hay không do dị ứng.

Khi bị ngạt mũi cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc phù hợp.

Không giống các thuốc tại chỗ chống ngạt mũi, uống pseudoephedrin không gây hoặc ít gây hiện tượng ngạt mũi nặng trở lại khi ngừng thuốc. Nhưng trong quá trình dùng thuốc, một số tác dụng phụ có thể xảy ra như nhịp tim nhanh, lo lắng, bồn chồn, mất ngủ… Đây là những tác dụng phụ thường gặp nhất. Ngoài ra, thuốc có thể gây ban đỏ, ảo giác, bí tiểu, glocom góc đóng.

Để dùng thuốc được an toàn,, hiệu quả không dùng pseudoephedrin để điều trị tắc mũi do viêm xoang. Trẻ em dưới 2 tuổi không có liều cụ thể được khuyến cáo cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa. Đối với dạng giải phóng kéo dài, chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi (vì uống loại viên này không được nhai, phải uống cả viên, nên dùng cho đối tượng từ trẻ lớn trở lên mới nuốt được). Không nên dùng quá liều chỉ định.

Đối với các trường hợp sau cần phải dùng rất thận trọng, đó là: bệnh nhân ưu năng tuyến giáp, đái tháo đường, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, phì đại tuyến tiền liệt gây đái khó, dùng viên pseudoephedrin dạng giải phóng kéo dài đối với người bệnh có hẹp/tắc nghẽn dạ dày - ruột. Trừ khi được thầy thuốc hướng dẫn, tất cả những người bệnh tự ý dùng pseudoephedrin được khuyên ngừng thuốc nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như dễ cáu gắt, căng thẳng, chóng mặt, mất ngủ, hoặc khi triệu chứng sung huyết mũi vẫn tồn tại quá 7 ngày hoặc kèm theo sốt. Những bệnh nhân dùng viên giải phóng kéo dài cần ngừng thuốc và tham vấn ý kiến bác sĩ nếu thấy đau bụng hoặc nôn kéo dài. Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em dưới 2 tuổi và người già trên 60 tuổi vì nguy cơ độc tính cao.

Không được dùng thuốc trong các trường hợp tăng huyết áp nặng, bệnh mạch vành nặng, glôcôm góc đóng, bí tiểu, đang dùng hoặc mới dùng (trong vòng 2 tuần) thuốc ức chế MAO hoặc người mẫn cảm với thuốc.


Dược sĩ Hoàng Thu
Ý kiến của bạn