Sản phẩm phải cạnh tranh được với thế giới
Theo PGS.TS. Trần Văn Ơn nguyên Trưởng Bộ môn Thực vật Trường đại học Dược Hà Nội, Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD, ví dụ như sâm Ngọc Linh.
Nhưng thực tế, do chưa có đủ giống tốt, công nghệ ươm trồng, bào chế, chiết xuất còn rất hạn chế so với nhiều nước, nên các sản phẩm từ thảo dược hoặc thảo dược thô của Việt Nam vẫn có giá thành quá cao. Ví dụ các loại sâm tươi, có cùng độ tuổi, nhưng sâm của ta bán khoảng 70 -100 triệu đồng/kg tươi. Trong khi đó, sâm Hàn Quốc chỉ bán khoảng 1 triệu rưỡi hoặc 1,8 triệu đồng/kg. Một loại khác là sâm Canada, cũng chỉ có giá 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg. Nếu so giá thành này thì sâm của ta cực kỳ đắt, đắt hơn nhiều so với sâm ngoại.
Nếu chúng ta muốn hướng đến việc xuất khẩu sâm đạt tỷ USD, thì câu chuyện này cần phải giải quyết để có mức giá cạnh tranh hơn. Nhìn xa hơn khoảng 7, 10 năm nữa, các vùng trồng sâm ở ta được mở rộng. Nhưng chi phí đầu tư không hạ được xuống, thì sẽ thật đáng lo. Bởi người đầu tư sau chưa kịp thu lại chi phí ban đầu thì giá sâm đã hạ. Trong khi đó, xuất khẩu sâm cũng không dễ dàng gì. Mức giá như đã so sánh, quả là quá cao so với sâm nước ngoài.
Nếu thế giới bán sâm sang nước ta thì cũng chỉ có giá 2-3 triệu đồng/kg mà sâm nhà lại mơ bán được 50-70 triệu đồng/kg thì không thực tế. Hơn nữa nó còn tạo ra cơn lốc đầu tư rất đáng lo ngại, những người đầu tư sau, chưa kịp thu lợi nhuận thì sâm trong nước đã bão hòa, trong khi thị trường nước ngoài không vào được, vậy là thiệt hại lớn cho nhiều người.
Nên có nhận định một cách khách quan rằng những hiểu biết của Việt Nam về sâm và nhiều loại dược liệu của chúng ta còn rất ít. Chỉ riêng về mật độ trồng thôi, để có được thông số chuẩn, thì phải mất từ 2, 3 chu kỳ nghiên cứu, mỗi chu kỳ là 5 - 6 năm. Có khi mất cả đời làm khoa học cũng mới có được câu trả lời. Vì thế, hãy đi chậm, đi chắc, nếu phát triển tràn lan vùng trồng trong khi thiếu mọi thứ, chưa nhìn rõ được đầu ra cho sản phẩm, thì sẽ rất bấp bênh cho người dân.
Cây sâm phải mọc ở độ cao cùng chi với tam thất (Panax), tương đương độ cao 1.300m so với mặt biển. Với độ cao đó thì mới phù hợp, nếu theo tiêu chí này, Việt Nam cũng không có nhiều diện tích. Bởi vành đai 1.300m chủ yếu là vùng núi rừng nguyên sinh, khu vực bảo tồn. Khi phát triển nhiều diện tích trồng sâm sẽ phạm vào khu vực bảo tồn và sẽ phá hỏng đa dạng sinh học.
Để tạo ra được cây có sản phẩm hàng hóa tốt, có thể thương mại và xuất khẩu được như cây sâm của Hàn Quốc, họ có khoảng 800 bài báo khoa học, mỗi bài báo này là cả một công trình nghiên cứu khoa học, có kết quả, số liệu minh chứng rõ ràng. Từ các công trình nghiên cứu thiết thực, hữu ích này, từng bước họ mới dựa vào đó để đề ra chiến lược phát triển một cách bài bản cho cây sâm cũng như các sản phẩm từ sâm.
Tại Việt Nam, hiện chúng ta mới có chừng 30 công trình khoa học nghiên cứu, khảo nghiệm về sâm. Như vậy là quá ít để hiểu biết về loại cây này. Đây là một quá trình, chúng ta muốn làm tốt, làm bền vững thì không thể đốt cháy giai đoạn được. Các nghiên cứu phải đầy đủ về giống, chất lượng, hoạt chất, đặc biệt là tác dụng sinh học.
Nhu cầu dược liệu trong nước và xuất khẩu rất lớn
Theo PGS.TS Trần Văn Ơn, tổng số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng trong Y học cổ truyền khoảng 800 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống khoảng 300 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30,000 tấn/năm. Tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam được ước lượng khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là quế, hồi và thảo quả.
Như vậy, nhu cầu về dược liệu tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu rất lớn, tuy nhiên xuất khẩu dược liệu của Việt Nam mới chỉ dừng ở vài trăm triệu USD/năm. Một trong những lý do dược liệu Việt Nam chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong thị trường dược liệu toàn cầu là do phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Chỉ ra nhiều điểm yếu của ngành dược liệu Việt Nam, ông Ơn cho rằng trước hết chúng ta không có định hướng thị trường tốt và rõ ràng, cả về khối lượng và tiêu chuẩn sản phẩm đều thiếu. Tiếp đến, Việt Nam thiếu công nghệ lõi cho chế biến dược liệu, đặc biệt là công nghệ chiết xuất. Khi có sản phẩm rồi, thì vẫn chưa xây dựng được chiến lược thị trường.
Theo Quyết định số 1976 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD. Rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp nói chung, phát triển trồng cây dược liệu nói riêng đã được nhà nước ban hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư vào trồng cây dược liệu, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn rất khó.
Theo các chuyên gia, để tăng kim ngạch xuất khẩu dược liệu, nước ta cần phải hình thành các vùng sản xuất dược liệu chuyên canh, tập trung, quy mô đủ lớn; phải được quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới; về thực hành tốt nuôi trồng và thu hái và sản xuất dược liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như của các nước nhập khẩu. Trong đó để tham gia cạnh tranh với thị trường dược liệu toàn cầu, rất cần sự đầu tư đồng bộ, từ việc mở rộng quy mô, phát triển các vùng trồng dược liệu đến việc ứng dụng khoa học - công nghệ bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cứu sống liên tiếp 2 sản phụ bị tiền sản giật, sản giật trong tình trạng nguy kịch tính mạng/ SKĐS