Để di sản mộc bản sống mãi với thời gian

14-08-2017 08:19 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Đến nay, UNESCO đã vinh danh mộc bản triều Nguyễn và mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) của Việt Nam là Di sản Tư liệu thế giới.

Hai di sản này có ý nghĩa rất lớn trong đời sống xã hội và vì thế, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt quan trọng, bất kể thời điểm nào.

Giá trị vượt thời gian

Hiện nay, mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (tỉnh Lâm Đồng). Đây là một trong những di sản tư liệu đồ sộ và còn được lưu giữ ở nước ta qua nhiều thế kỷ. Theo hồ sơ của Cục Di sản (Bộ VH-TT&DL), 34.555 bản khắc mộc bản triều Nguyễn đã lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, mộc bản còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam.

Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán, Nôm ngược dùng để in ra các sách được sử dụng phổ biến dưới triều Nguyễn, có nội dung rất phong phú và được chia làm các chủ đề: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục. Đây là khối tài liệu quý hiếm, do giá trị về mặt nội dung, đặc tính về phương pháp chế tác và những quy định rất nghiêm ngặt của triều đình phong kiến về việc ấn hành và san khắc. Những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng.

Để di sản mộc bản sống mãi với thời gianTrung tâm lưu trữ quốc gia IV (tỉnh Lâm Đồng) trưng bày mộc bản triều Nguyễn phục vụ khách tham quan.

Trong khi đó, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là những trang sách bằng gỗ được các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Mộc bản là di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, là nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt nói chung, của chữ Nôm nói riêng trong lịch sử. Chữ Hán và chữ Nôm (một số rất ít bằng chữ Phạn) với nhiều phong cách, lối viết khác nhau, được khắc ngược trên hai mặt của đa số tấm ván. Phần lớn là thể chữ chân dễ đọc, được khắc sâu nên bản in ra giấy dó rất sắc nét. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang chữ Nôm (do người Việt Nam tạo ra để ghi âm tiếng Việt).

Kho mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay còn lưu giữ 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán.

Để di sản mãi trường tồn

“Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản tư liệu bằng cách nào?”, đây là một câu hỏi lớn đối với các cơ quan chức năng, các chuyên gia văn hóa bấy lâu nay. Vì là mộc bản nên nếu không được bảo quản, lưu giữ đúng cách, các mộc bản sẽ bị mối mọt, nấm mốc, cong vênh (do tác động của điều kiện tự nhiên, khí hậu như nhiệt độ cao, ẩm thấp...). Đồng thời, mộc bản nếu không được giới thiệu rộng rãi đến người dân thì giá trị di sản cũng không được lan tỏa. Chính vì thế, việc bảo quản và phát huy giá trị mộc bản triều Nguyễn và mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm phải khoa học, cẩn thận...

Trước vấn đề này, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”. Đề án chia làm 2 giai đoạn (2016 - 2020 và 2021 - 2025), tập trung vào các nhiệm vụ: tổ chức thực hiện công tác bảo quản tài liệu, phát huy giá trị tài liệu mộc bản như biên soạn, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu tài liệu mộc bản triều Nguyễn, xây dựng trang thông tin điện tử và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật cho những người trực tiếp làm công tác bảo quản, phát huy giá trị tài liệu mộc bản triều Nguyễn. Cùng với đó thực hiện tu bổ, phục chế, gia cố tài liệu mộc bản bị hư hỏng..; khai thác, phát huy giá trị tài liệu mộc bản triều Nguyễn thông qua các hình thức: biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, xây dựng các bộ phim tài liệu và giới thiệu tài liệu mộc bản triều Nguyễn vào các trường học...

Đối với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang thời gian qua đã có những việc làm kịp thời, thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này. Tại các sự kiện văn hóa lớn, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, giới thiệu di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và trình diễn nghề in sách truyền thống từ mộc bản. Bên cạnh đó, ngành văn hóa cũng tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế thu hút nhiều chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra phương án bảo tồn, khai thác giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ngoài ra, công tác khảo sát, sưu tầm và chụp ảnh tài liệu, tư liệu quý, thu thập và xử lý nghiệp vụ, hướng dẫn công tác chuyên môn trong bảo quản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được tỉnh Bắc Giang phối hợp với các cơ quan chuyên trách thực hiện.

Đặc biệt, hiện nay tại chùa Vĩnh Nghiêm đã có nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản với diện tích hơn 330m2, gồm 2 khối nhà chính có kiến thuần Việt, đảm bảo yếu tố cần thiết để lưu giữ mộc bản. Nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vì thế giúp việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản tư liệu thuận tiện hơn, đồng thời làm cho quần thể di tích chùa Vĩnh Nghiêm linh thiêng, đậm đà bản sắc văn hóa hơn.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn