Hưởng ứng Ngày quyền người tiêu dùng thế giới 15/3, Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức lễ mít tinh và chính thức khai mạc chương trình hành động vì quyền người tiêu dùng 2014 với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.

Chương trình nhằm phát huy ý thức tôn trọng quyền người tiêu dùng của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại, đồng thời từng bước nâng cao ý thức chủ động phản ánh của người dân về các trường hợp bị xâm hại quyền tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề cần nêu lên là tại Việt Nam, việc người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi đang dần trở nên phổ biến. Và không ít người tiêu dùng vẫn thường cho rằng, nguyên nhân do các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, thờ ơ trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trên thực tế, điều này chỉ đúng một phần nhưng chưa đủ, bởi ngay bản thân người tiêu dùng, với nhiều thói quen dễ dãi của mình đã vô tình khiến lợi ích của họ bị xâm hại. Nhiều người do lý do này, lý do kia mà khi mua bán thực phẩm ào ào cho qua mà không mấy quan tâm đến xuất xứ, nguồn gốc của những sản phẩm mình mua. Với họ, lý do biện hộ cho hành động của mình là do sự tiện lợi để giải quyết bài toán công việc nhiều, thời gian ít. Những kiểu mua hàng này chính là nguyên nhân để chợ cóc phát triển với đủ loại hàng hóa thượng vàng hạ cám. Không ai đảm bảo được chất lượng của những mặt hàng này ra sao, có an toàn hay không? Nếu sử dụng thực phẩm ở những chợ cóc kiểu này mà có vấn đề gì về an toàn vệ sinh thực phẩm, chắc hẳn người tiêu dùng không biết kêu ai. Khi quyền lợi của họ bị xâm phạm, ai sẽ đứng ra để bảo vệ có lẽ cũng là một câu hỏi rất khó trả lời.
Nhiều chuyên gia gọi đây là văn hóa tiêu dùng kiểu mì ăn liền, có nghĩa là tiện đâu mua đấy, tiện đâu dùng đấy mà không để ý hoặc tìm hiểu xem nếu xảy ra rủi ro thì luật pháp sẽ bảo vệ mình như thế nào?
Liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thói quen dễ dãi nhưng lại thụ động của người tiêu dùng là một rào cản để bảo vệ quyền lợi cho chính họ. Nhiều vụ việc, chỉ khi báo chí nói đến, các cơ quan chức năng mới biết và vào cuộc. Nếu người tiêu dùng chỉ nghĩ đơn giản là cá nhân mình chịu thiệt với mặt hàng mình mua vì nếu giải quyết thì sẽ mất thời gian, thì giờ mà giá trị mặt hàng mua không đáng kể thì đấy là một rào cản rất lớn. Vì chính thói quen của người tiêu dùng sẽ quyết định phần lớn cho việc đảm bảo quyền lợi không chỉ cho chính họ, mà cho cả cộng đồng. Chính vì thế, thay đổi thói quen là điều không dễ, nhưng không phải không thể làm được. Câu chuyện quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm nên chăng phải bắt đầu từ chính sự thay đổi văn hóa tiêu dùng.
Nguyễn Minh