Hà Nội

Đề cương về văn hóa: Sáng tỏ tư duy lý luận của Đảng 80 năm qua

01-03-2023 18:54 | Thời sự
google news

Dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam và đường lối đúng đắn của Đảng thời kỳ đổi mới, nền văn học-nghệ thuật của nước ta có nhiều khởi sắc.

Đề cương về văn hóa: Sáng tỏ tư duy lý luận của Đảng 80 năm qua - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 1/3, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua.”

Đây là cuộc tọa đàm chuyên sâu về sự kế thừa, phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 80 năm qua trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943).

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh việc tổ chức cuộc tọa đàm khoa học này là hoạt động có nhiều ý nghĩa thiết thực chào mừng 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua; những thành tựu và bài học quan trọng, nổi bật; Đảng ta đã quán triệt, vận dụng, bổ sung và phát triển những tư tưởng, quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong chặng đường 80 năm qua.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ Tư tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa, văn nghệ, làm cho văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Quá trình này tạo tiền đề để các ngành, bộ môn văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; sự sáng tạo, truyền bá và thụ hưởng giá trị văn hóa, văn nghệ.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam và đường lối đúng đắn của Đảng thời kỳ đổi mới, nền văn học-nghệ thuật của nước ta có nhiều khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, dân chủ, nhân văn.

Tuy nhiên, tình hình thế giới và trong nước hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Thế giới tiếp tục phát triển theo hướng đa cực, với nhiều khuynh hướng khác nhau, vừa quốc tế hóa và vừa khu vực hóa, vừa hợp tác vừa cạnh tranh về chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh, ngoại giao và văn hóa. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ Tư tạo những tiền đề quan trọng để hiện đại hóa các ngành văn hóa, nghệ thuật nhưng cũng nảy sinh những thách thức trong trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và quá trình lãnh đạo, quản lý các hoạt động văn hóá văn nghệ.

Đề cương về văn hóa: Sáng tỏ tư duy lý luận của Đảng 80 năm qua - Ảnh 2.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Trước tình hình phức tạp đó, chúng ta cần phải kiên định đường lối xây dựng nền văn hóa văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ và nhân văn; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng về văn hóa mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: Tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ sự phấn khởi khi lắng nghe những ý kiến tham luận tại tọa đàm.

Ông cho rằng các ý kiến tham luận trong buổi tọa đàm quan trọng này đã góp phần làm sáng tỏ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ trong 80 năm qua. Đó là thành công tốt đẹp của cuộc tọa đàm khoa học hôm nay.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Hội đồng cần nghiên cứu đề xuất những giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật để chúng ta có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mỹ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại./.

Phát biểu của Thủ tướng tại lễ Kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóaPhát biểu của Thủ tướng tại lễ Kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa

Tối 28/2, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” với chủ đề "Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu tại Chương trình.


Minh Thu (Vietnam+)
Ý kiến của bạn