Từ 1996 tới nay, theo thông lệ, cứ 5 năm một lần, các hội chuyên ngành lại xem xét đề cử tác phẩm, tác giả hội viên ngành mình cho Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (sau đây gọi tắt là Giải thưởng Nhà nước) về văn học nghệ thuật (VHNT).
Để rộng đường dư luận, bài viết này xin giới thiệu một số ý kiến của người trong cuộc, xung quanh chuyện xét, tuyển chọn, đề cử cho hai giải thưởng danh giá kỳ này (đợt thứ 5) năm 2015 của chuyên ngành nhiếp ảnh.
“Nghẹn ngào đón mừng các chiến sĩ thắng lợi trở về” - tác phẩm trong bộ ảnh “Tù ngục tới thắng lợi trở về” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành.
Ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước đợt 4 về bộ ảnh Từ ngục tối thắng lợi trở về: Đây là sự quan tâm, ghi nhận, là sự đánh giá của Nhà nước đối với VHNT trong đó có giới nhiếp ảnh về những đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Góp phần động viên các văn nghệ sĩ tích cực sáng tạo hơn nữa. Thúc đẩy sự phát triển VHNT, trong đó có nhiếp ảnh tiến lên hòa nhập với thế giới.
Giải thưởng Nhà nước thì yêu cầu thấp hơn Giải thưởng Hồ Chí Minh một chút, nhưng vẫn là cùng một tiêu chí, đó là tác phẩm phải có nội dung tư tưởng sâu sắc, có giá trị nghệ thuật cao và có tác dụng tốt trong công chúng, trong xã hội.
Hiện nay trong giới nhiếp ảnh có người xứng đáng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước nhưng ở góc độ tôi đã từng làm quản lý, không thể nói trước được. Ở hai lĩnh vực, hai thời kỳ: Trước đây là ảnh chiến tranh. Thời chống Mỹ cứu nước, nhiều nhà nhiếp ảnh đi vào chiến trường chụp được những bức ảnh tốt nhưng do điều kiện khó khăn ngày ấy, vì báo chí ít, hạn chế việc được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho nên đồng nghiệp và công chúng ít người biết. Bản thân các tác giả trước đây không biết để làm hồ sơ. Bây giờ có điều kiện khai thác, nhìn nhận và đánh giá mới thấy đó là những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và tuyên truyền. Còn thời kỳ sau 1975 cũng có những tác phẩm xứng đáng được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Không phải như có người nói là không còn tác phẩm để dự giải.
Thứ nữa, số lượng tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về nhiếp ảnh so với thực tế chúng ta có và so với các loại hình VHNT khác là ít. Cho nên cân nhắc, đề cử cho đầy đủ và xứng đáng, không được bỏ sót.
Ông Mai Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội NSNA Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, Giải thưởng Nhà nước đợt 2 với bộ ba tác phẩm Cảnh giác; Chạy đâu cho thoát; Đi trực chiến: Có thể khẳng định rằng, những tác phẩm của những người đã đoạt giải mấy đợt trước được dư luận, qua phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi, đánh giá cao, được mọi người thừa nhận là những tác phẩm xuất sắc, có tác động mạnh đến tình hình chính trị của đất nước và có tác dụng giáo dục sâu sắc cho nhân dân. Mấy chục năm trở lại đây, tính từ thời điểm thống nhất đất nước 1975 đến nay, giải thưởng về nhiếp ảnh cũng nhiều nhưng tác phẩm chưa mang dấu ấn thời đại. Có người đoạt giải thưởng tại nhiều cuộc triển lãm, nhưng tác phẩm của họ không để lại dấu ấn trong công chúng và nhất là trong giới nhiếp ảnh. Nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn phải chọn ra những tác phẩm khá nhất để đề cử cho việc trao giải. Nếu không thì giới nhiếp ảnh thiệt thòi so với các ngành nghệ thuật khác. Mặt khác, có những tác giả hoặc còn sống, hoặc đã qua đời, nhưng trước đây chưa có dịp công bố tác phẩm thì nay chính là dịp tốt để đem ra xem xét...
Nhân đây, người viết bài này nêu điều ghi chép được: Có những nhiếp ảnh gia tự do và cả công chúng đồng tình, mong ước và hy vọng đến một ngày nào đó tác phẩm nhiếp ảnh của họ được “ngồi chung chiếu” với tác phẩm của các hội viên Hội NSNA trong việc đề cử xét giải này. Chẳng hạn như bên âm nhạc, có trường hợp như Thanh Lam là ca sĩ tự do, năm 2007 được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành: Không thể biết được và không thể nói trước được điều gì. Vì có nhiều nhà nhiếp ảnh lâu nay chưa công bố tác phẩm. Ví dụ anh Trịnh Hải - nguyên Phó phòng Ảnh báo Nhân Dân, có nhiều ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh... nhưng tới đây tác giả mới công bố.
Ông Xuân Liễu - nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành: Hoan nghênh việc Nhà nước tuyên dương những người có công lao trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã làm hồ sơ để dự xét chọn. Nhưng có thể nói, chỉ sợ sự xem xét ở cơ sở (Hội chuyên ngành) thiên vị, không công bằng. Vì có thể có vấn đề tiêu cực trong đó. Tôi hy vọng mọi sự được xem xét khách quan, công bằng, đúng với những công lao và giá trị tác phẩm của những nhà nhiếp ảnh có cống hiến cho đất nước.
Qua thăm dò dư luận thấy rằng, việc xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho nhiếp ảnh phải hết sức thận trọng. Sao cho đảm bảo đúng quy chế của giải thưởng. Không để sót những tác phẩm có giá trị xứng đáng. Muốn vậy, Hội đồng xét giải phải gồm những thành viên thực sự là những người “cầm cân nảy mực” có uy tín và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Nguyễn Ngọc Phan