Đề cao cảnh giác, chặn cúm A/H7N9 vào Việt Nam

13-01-2014 07:14 | Thời sự

SKĐS - Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9, nhưng nhu cầu giao lưu, đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán và việc buôn bán gia cầm qua biên giới hiện nay cũng đang rất khó kiểm soát,

Liên tiếp trong những ngày gần đây, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã thông báo có các trường hợp mắc mới và tử vong do cúm A/H7N9. Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9, nhưng nhu cầu giao lưu, đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán và việc buôn bán gia cầm qua biên giới hiện nay cũng đang rất khó kiểm soát, nên nguy cơ lây lan dịch cúm A/H7N9 sang Việt Nam rất cao. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

PGS.TS. Trần Đắc Phu.

PV: Thưa ông, nhiều chuyên gia y tế đã lo ngại, với việc đi lại không kiểm soát, rất có thể các chủng cúm này sẽ “tràn” vào nước ta?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Để đối phó với cúm A/H7N9, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động, triển khai nhiều biện pháp ứng phó: tăng cường kiểm soát buôn bán gia cầm, đặc biệt tại biên giới và các chợ đầu mối; Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A/H7N9 để phổ biến tới các cơ sở y tế; sẵn sàng cơ sở vật chất và thuốc để điều trị cho các ca bệnh nếu có. Chính nhờ sự kiểm soát tích cực việc buôn bán gia cầm nên Việt Nam đã tạm thời chưa xuất hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm và chưa có bệnh nhân nào bị mắc. Tuy nhiên, cúm A/H7N9 khó kiểm soát bởi chưa thể xác định được nguồn virut lây sang người. Theo các chuyên gia y tế, tất cả các đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, đều có khả năng nhiễm cúm A/H7N9. Đường lây nhiễm của chủng cúm này là từ gia cầm sang người, vì vậy những đối tượng có khả năng lây nhiễm cao nhất là những người tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc gia cầm mang virut nhưng không mắc bệnh. Cụ thể, đó là người mua bán, giết mổ và sử dụng gia cầm mắc bệnh hoặc mang virut, đặc biệt là những người có tiếp xúc với gia cầm không rõ nguồn gốc.

Nếu cúm A/H5N1 có thể “khoanh vùng” với các trường hợp tiếp xúc với gia cầm ốm chết thì cúm A/H7N9 lại không thể làm như vậy bởi dấu hiệu bệnh trên gia cầm không rõ ràng. Thậm chí, 40% số người mắc bệnh không tiếp xúc với gia cầm. Cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vaccin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên tiếp xúc với mầm bệnh, người dân dễ bị nhiễm bệnh và khó khăn trong điều trị.

PV: Vậy, ngành y tế đã có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch cúm A/H7N9, thưa ông?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Hiện, Bộ Y tế đang phối hợp với các địa phương có cửa khẩu, sân bay để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động ngăn chặn sự xâm nhập virut cúm A/H7N9 vào Việt Nam. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu gia cầm lậu nhằm hạn chế việc nhập khẩu không nguồn gốc; tuyên truyền đảm bảo ATTP tới người dân. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát của Bộ Y tế sẽ giám sát tất cả các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi nặng để sớm phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9.

Liên quan đến vấn đề này, để nâng cao tính chủ động và sẵn sàng đối phó với dịch cúm A/H7N9, cuối tuần qua, GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký Công điện số 106/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9, trong đó chỉ đạo các ngành liên quan chú trọng giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh, giám sát chặt chẽ các ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng và bệnh nhân viêm phổi tại cộng đồng... Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động phòng ngừa dịch cúm A/H7N9...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn